Người xưa không có những công nghệ cao cấp như ngày nay nhưng vẫn xây được những công trình độc đáo và hùng vĩ với thời gian khiến nhiều người không khỏi kinh ngạc và thán phục.
Chùa Huyền Không, Trung Quốc
Chùa được xây dựng vào năm 491 dưới thời Bắc Ngụy, nằm trên lưng chừng núi Hằng Sơn, tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc. Kiến trúc của chùa là sự kết hợp hài hòa giữa ba tôn giáo: Phật giáo, Đạo giáo, Nho giáo. Chiều cao của chùa giúp người tham gia thiền định không bị ảnh hưởng bởi tiếng ồn. Ngôi chùa có thể tồn tại lâu đời nhờ không bị lũ lụt cũng như mưa tuyết tàn phá.
Tu viện Sumela nằm trên một vách đá ở Trabzon, Thổ Nhĩ Kỳ. Đây là một trong những tu viện lâu đời nhất của Kito giáo. Nhiều ý kiến cho rằng tu viện được xây bởi người dân địa phương để phòng thủ. Theo một truyền thuyết khác, hai thầy tu đến từ Athens, Hy Lạp, là St. Barnabas và St. Sophronios đã thấy hình ảnh của các trinh nữ trong hang động và quyết định xây dựng tu viện ngay tại địa điểm này vào năm 386. Tuy nhiên, nhiều nhà sử học cho rằng tu viện đã tồn tại từ trước đó rất lâu.
Tu viện Paro Taktsang (có nghĩa là Hang hổ) tọa lạc trên dãy Himalaya, Bhutan. Đây là một địa điểm nổi tiếng thiêng liêng của Phật giáo. Mỗi năm, nơi đây chỉ mở cửa duy nhất một lần vào buổi lễ đặc biệt. Tu viện được xây dựng vào cuối thế kỷ 17 bởi Gyalse Tenzin Rabgye, lãnh đạo Bhutan vào thời điểm đó. Tu viện trụ vững qua nhiều thử thách của thời gian cho đến vài năm trước, nó gần như bị phá hủy bởi một trận hỏa hoạn.
Khu định cư bên vách núi Mesa Verde, Mỹ
Mesa Verde nằm ở phía tây nam bang Colorado, Mỹ. Đây là một trong những nơi có điều kiện tự nhiên tốt nhất trên thế giới. Người cổ đại đã xây dựng một ngôi làng trên vách núi vào khoảng năm 600 – 1300. Trong số những ngôi nhà đá ở đây, nổi tiếng nhất là khu Cliff Palace và khu Spruce Tree House. Khu Cliff Palace trở thành nơi ở của con người từ năm 1190 đến 1300, bao gồm 220 phòng ở và 23 phòng tế lễ.
Hang động Kizil, Trung Quốc
Hang Kizil nằm ở Tân Cương, Trung Quốc. Đây là hang động Phật giáo sớm nhất ở Trung Quốc, được xây dựng từ thế kỷ 3 đến thế kỷ 8. Quần thể hang đá này bao gồm 236 ngôi đền trải dài hai kilomet từ đông sang tây. Trong đó, khoảng 135 ngôi đền gần như còn nguyên vẹn. Vì những ngôi đền nằm dọc theo Con đường tơ lụa, chúng không bị ảnh hưởng nhiều bởi văn hóa Trung Quốc. Trên thực tế, chỉ có hai ngôi đền mang bản sắc Trung Quốc trong khi phần lớn những ngôi đền còn lại chịu ảnh hưởng của văn hóa Graeco, Ấn Độ và văn hóa Sassanian, Iran.
Lạc Sơn Đại Phật, Trung Quốc
Bức tượng Phật được tạc vào vách núi Lăng Vân, tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc vào khoảng năm 713 – 803. Đây là một kỳ quan cổ đại thu hút hàng triệu Phật tử hành hương mỗi năm. Gần như toàn bộ bức tượng được làm bằng đá, trừ tai của Phật được chế tác từ gỗ. Một số hệ thống thoát nước nằm bên trong tóc, cổ áo, ngực và sau tai của Đức Phật giúp bảo vệ bức tượng khỏi sự xói mòn và phong hóa qua hàng nghìn năm.
Tượng người trên vách đá, Peru
Năm 1928, một trận động đất mạnh làm rung chuyển các ngọn đồi xung quanh thung lũng Utcubamba, Peru. Trận động đất khiến những bức tượng đất sét (quách) cao 2,1 mét rơi từ trên vách núi xuống. Sau đó các nhà nghiên cứu tìm thấy thêm một số quách tại Purunmachu – nơi người Chachapoya được chôn cất. Những chiếc quách được chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi đặt thành hàng trên gờ một vách đá cao. Người Chachapoya bắt đầu định cư tại Amazonas tức Peru ngày nay từ năm 200.
Quần thể mộ đá Lycia, Thổ Nhĩ Kỳ
Quần thể mộ cổ này nằm trong vùng Lycia, tỉnh Antalya, Thổ Nhĩ Kỳ. Những ngôi mộ cổ nhất trong số này nằm ở khu Myra và Amasia, được tạc vào thế kỷ 5 trước Công nguyên. Người Lycia cổ đại chọn xây mộ trên vách đá vì tin rằng một đôi cánh bí ẩn sẽ đưa họ lên thiên đường. Mỗi ngôi mộ có thể chứa hài cốt của nhiều người có quan hệ họ hàng với nhau. Có lẽ điều này thể hiện mong muốn lưu giữ các mối quan hệ ngay cả khi đã chết của người Lycia cổ đại.
Những cỗ huyền quan ở Sagada, Philippines
Bộ lạc Igorots sống ở Sagada, đảo Luzon, Philippines, có cách thức mai táng người chết độc đáo. Họ đặt người chết vào quan tài trong tư thế của một bào thai. Sau đó, những chiếc quan tài được đóng đinh trên vách đá. Người Igorots cho rằng khi làm như vậy, linh hồn của người chết sẽ đến gần trời và linh hồn tổ tiên hơn. Đây cũng được cho là cách bảo quản xác chết tốt hơn so với địa táng. Dù không có bằng chứng xác thực, các nhà khoa học tin rằng tập tục này xuất hiện từ 2.000 năm trước.
Mộ tổ ong Pantalica trên đảo Sicily, Italy
Khu mộ nằm trong dãy núi Hyblaean, đảo Sicily, Italy, được người cổ đại sử dụng vào cuối thời Đồ đồng từ thế kỷ 13 đến thế kỷ 7 trước Công nguyên. Quần thể bao gồm khoảng 5.000 ngôi mộ, hầu hết được khắc vào núi đá vôi. Những ngôi mộ có kích thước khá nhỏ với dạng hình vuông, hình chữ nhật hoặc hình bầu dục. Phần bên trong mộ giống hang động nhân tạo có nhiều gian. Sau một khoảng thời gian dài, vào thế kỷ 8 – 9, Pantalica được tái sử dụng làm cứ điểm chống quân xâm lược Arab. Sau đó, người Hồi giáo cũng nhận thấy đây là chỗ trú ẩn lý tưởng và thành lập cộng đồng dân cư vào thời Trung cổ.
Theo Vnexpress/Ancient Origins