Thiếu đầu tư, tham nhũng và tư vấn bệnh nhân không phù hợp là một trong những vấn đề hàng đầu của hệ thống chăm sóc y tế ở Trung Quốc.
Tại Bệnh viện Nhân dân Weixian ở thành phố Hình Đài, tỉnh Hà Bắc, người mẹ 63 tuổi của ông Zhou đã được tiểu phẫu. Bà ngã xe đạp điện và bị gãy xương chân phải nên phải cố định xương bằng nẹp thép. Nhưng sau khi phẫu thuật, bà đau không ngừng. 4 tháng sau, ông Zhou đưa mẹ đến bệnh viện tái khám, và vô tình một vụ bê bối tham nhũng được tiết lộ.
Ngày 1/11, hãng truyền thông Trung Quốc Jiangxi News Net đã đưa tin rằng, tấm nẹp thép bị vỡ làm đôi và cắm vào thịt của bà. Ban đầu ca phẫu thuật thành công nhưng sau đó nẹp thép bị vỡ.
Jiangxi News đã có cuộc điều tra bí mật để xác định xem chất lượng tấm thép có đạt chuẩn an toàn hay không. Hãng truyền thông này tiết lộ rằng, Bệnh viện Nhân dân Weixian đã bán nẹp thép và vít xương cho bệnh nhân với giá cắt cổ, cao hơn nhiều so giá bệnh viện mua vào. Ví dụ, công ty cung cấp bán nẹp thép cho bệnh viện với giá 480 nhân dân tệ/tấm, nhưng bệnh viện đã tính cho bệnh nhân 4.662 tệ (khoảng 700 USD)/tấm.
Theo Jiangxi News Net, khoản tiền chênh lệch đã vào túi các nhân viên ở các cấp khác nhau của bệnh viện, gồm giám đốc, chủ nhiệm, dược sĩ, giám đốc bộ phận và bác sĩ.
Tham nhũng tại Bệnh viện Nhân dân Weixian chỉ là một điển hình của những vấn nạn nghiêm trọng hơn trong hệ thống chăm sóc y tế của Trung Quốc. Nhiều năm qua, các bệnh viện đã gây ra nhiều tai họa cho nước này qua các hành động vô đạo đức, những vụ bê bối về ăn chia hợp đồng, hối lộ, thuốc không an toàn và vắc-xin không đạt tiêu chuẩn.
>>> Cuộc điều tra 10 năm của 1 bác sĩ vạch trần tội ác chưa từng có trên Trái đất
>>> Tự thuật của 1 bác sĩ trẻ: Nhóm người thất đức nhất trong xã hội đã xuất hiện
Khi điều trị không diễn ra suôn sẻ thì không hiếm gặp tình trạng bác sĩ và bệnh nhân đối đầu với nhau. Tuy nhiên, đằng sau các cuộc xung đột là những vấn đề lớn hơn. Trong đó có một số vấn đề đã được các quan chức Đảng Cộng sản Trung Quốc phát biểu trước công chúng.
Một lý do khiến chất lượng chăm sóc y tế của Trung Quốc tụt hậu hẳn so với Mỹ là ngân sách mà chính phủ Trung Quốc rót vào ngành y. Theo Ngân hàng Thế giới, năm 2014, chăm sóc y tế chiếm 17% GDP của Mỹ, so với 5,5% của Trung Quốc.
Trên giấy tờ, chính quyền Trung Quốc nói rằng 95% công dân được bảo hiểm y tế và có thể được nhà nước hoàn lại 70% chi phí điều trị bệnh. Tuy nhiên, nhiều người nói rằng, chính sách bảo hiểm y tế không toàn diện. Theo một phân tích năm 2013 của trường Kinh doanh Wharton, thuộc Đại học Pennsylvania, bệnh nhân Trung Quốc vẫn phải trả một nửa chi phí y tế từ túi tiền của mình.
Theo báo cáo của Sohu, trích dẫn ý kiến của Fan Daiming, Giám đốc Phòng thí nghiệm chính của nhà nước về Sinh học Ung thư, một nguyên nhân khác gây ra các vấn đề của hệ thống chăm sóc y tế Trung Quốc là chính sách y tế của nhà nước.
Những chính sách này là những nghị định về chăm sóc y tế ở các khía cạnh khác nhau, chẳng hạn như chăm sóc nha khoa và nằm viện. Ông Fan nói rằng, 96% nội dung hướng dẫn được sao chép từ các nguồn phương Tây, nhưng vẫn phải có các quy tắc riêng cho vấn đề y tế của Trung Quốc, chẳng hạn như các nguyên tắc phải dựa trên thói quen ăn uống của người Trung Quốc chứ không phải của người phương Tây.
Phát biểu tại một cuộc họp chính trị vào tháng 3/2014, Zhong Nanshan, cựu Chủ tịch Hiệp hội Y học Trung Quốc và Tổng biên tập tạp chí Thoracic Disease nói rằng, cải cách y tế đã không giải quyết được nhiều vấn đề cơ bản.
Ví dụ, ông Zhang nói rằng, nhiều người Trung Quốc đang sống trong nghèo đói mãi không được tiếp cận với chăm sóc sức khoẻ vì chi phí cao. Ngoài ra, thiếu hỗ trợ tài chính từ chính quyền, các bệnh viện công ở Trung Quốc tiếp tục hoạt động như các bệnh viện tư nhân và không có cách nào để cải thiện doanh thu của bệnh viện. Để chứng minh, ông Zhang chỉ ra rằng, các bác sĩ tại bệnh viện công thường hẹn bệnh nhân khám chữa bệnh ngoại trú thay vì xử lý tại bệnh viện để kiếm được nhiều tiền hơn từ bệnh nhân.
“Đây không phải là vấn đề đặc thù. Chúng là những vấn đề mang tính hệ thống và sâu sắc hơn nhiều”, ông Zhang nói.
Tháng 6/2016, cái chết của Wei Zexi, một sinh viên đại học 21 tuổi được chẩn đoán là ung thư mô hiếm gặp, đã thu hút được sự chú ý của công chúng khi tiết lộ rằng anh được điều trị ung thư giả trước đó 6 tháng. Các phương tiện truyền thông Trung Quốc điều tra và phát hiện ra, bệnh viện điều trị cho Wei là một phần của mạng lưới Putian, bao gồm 8.600 bệnh viện tư do các doanh nhân và quan chức Đảng kiểm soát. Mạng lưới này quảng cáo trực tuyến các phương pháp điều trị và thuốc giả.
Bạch Vân, theo Epoch Times