(PLO)- Em thương! Hồi em còn ở bên này, mỗi độ Xuân về, tết đến mình lại lên tàu lửa ra Trung, về Bắc để thăm ngoại, nội. Mỗi lần không mua được vé ghế chính mình đành mua vé ghế phụ hay còn gọi là ghế súp. Mỗi lần như thế em than buồn rằng thế là chúng mình thành công dân hạng hai của “nhà tàu” rồi, còn anh thì an ủi rằng mình chỉ là công dân nửa vé thôi. Vì vé ghế phụ chỉ bằng nửa vé chính. Em qua bển mười năm rồi, Xuân này anh lại đi tàu ghế phụ và thấy, nghe nhiều chuyện để kể cho em đây!
Vừa bước lên toa số 7 giường nằm thấy ngay một chồng ghế phụ bị xích lại. Hỏi sao phải làm như thế, chú phụ trách toa xe bảo, vì nếu không xích thì mấy bác có vé ghế chính cứ “hồn nhiên” lấy ra ngồi ở hành lang để ngắm cảnh. Mà ghế phụ cũng là vé, là tiền chứ. Bác có vé ghế phụ hả, để cháu mở xích, cho bác một ghế! Ngoài loại ghế phụ bằng nhựa thì ở tầng một mỗi khoang giường nằm được nhà tàu “biến” thành 3-4 ghế ngồi. Đó là ghế phụ hạng sang đó em ạ! Ở các toa ghế cứng, không máy điều hòa, dọc theo hai hàng ghế chính cũng có phụ cho những con người vất vả, mệt mỏi trên hành trình du Xuân… Muốn “thoát” cảnh ghế phụ thì “xì” ra vài trăm ngàn để được nằm thoải mái ở khoang của nhân viên toa xe như cha con nhà anh này! Đang miên man thì nghe tiếng quát của anh toa xe: “Bác đứng dậy, tàu tới ga, cho em mở cửa lên xuống!” Tàu dừng, nhoài người ra cửa, trong ánh đèn lòe nhòe xem nó là ga gì? Nhìn mãi mới biết đó là ga Tuy Hòa vì một chữ O đã rớt xuống từ hồi nào. Xuân về, tết đến mà người ta cũng không gắn lại nổi một chữ O hay quê ngoại vẫn nghèo rớt như hồi em chưa qua bển? Không! Không chỉ quê ngoại mình nghèo mà đất nước còn có nhiều người nghèo, khó và “liều mình” leo lên tàu mua vé bổ sung để “được” ngồi bệt giữa hành lang toa xe giường nằm như thế này! Trời sáng dần, lên toa cung ứng kêu một tô mì gói chỉ có lơ thơ ba miếng thịt bò già và được “khuyến mãi” thêm nửa trái ớt mà anh nhà tàu “quát” tới 30.000 đồng (ở Sài Gòn tô mì nghèo như thế chỉ chừng 10.000 đồng thôi em ạ!). Cắc cớ hỏi, tôi đi tàu ghế phụ mà sao bán mắc cho tôi thế? Anh nhà tàu trợn mắt, đã lên tàu, lên toa cung ứng thì khách chính, phụ bình đẳng như nhau! Anh ta nói đúng! Vì lúc giao thừa nhóm “thượng đế ghế phụ” ở toa ghế cứng cũng được phát quà mừng năm mới… …và cả các bác ngồi ghế phụ ở gần đoạn nối giữa hai toa cũng được phát quà Xuân Quà Xuân của nhà tàu là một tấm thiệp chúc mừng An khang – Thịnh vượng và một hộp bánh giá chừng 15-20.000 đồng. Nhưng thế cũng vui em nhỉ? Còn bác trung niên này “biến” 4-5 chiếc ghế phụ thành “ghế nằm” để đánh phèo một giấc ngon lành… …hay như anh thanh niên này, để ghế phụ sang bên cạnh, trải tấm chiếu cụt ra ngay cửa lên xuống và vô tư nhí nhoáy bấm máy smart phone… Đi tàu ghế phụ có nhiều chuyện vui buồn như thế đó em ạ! Anh có hỏi bao giờ hết cảnh tàu ghế phụ! Anh nhân viên toa xe người miền Trung đọc luôn câu thơ xuân tặng anh: “Trăm năm đường sắt thì mòn. Nghìn xuân ghế phụ vẫn còn, bác quơi!” |
Theo Pháp luật TPHCM