Trung Y cho rằng, bách bệnh đều do phong (gió) gây ra. Thầy thuốc bình thường coi thường cảm mạo, thầy thuốc giỏi thì rất sợ cảm …
1. Cảm mạo – Nguyên nhân gây bệnh
Theo học thuyết âm dương ngũ hành, trong tự nhiên có phong (gió), hàn (lạnh), thử (nhiệt), thấp (ẩm thấp), táo (khô), hoả (nóng), Trung y gọi đó là lục khí, nhưng một khi gây bệnh thì gọi là lục tà (lục dâm tà khí).
Có câu “Chính khí tồn nội, tà bất khả can” – Chính khí đầy đủ thì bệnh tật không thể xâm hại được.
Nguyên nhân mắc bệnh cảm mạo phần lớn là do tà khí gây ra, tà khí nhân lúc chính khí (sức đề kháng) giảm sút mà thừa cơ xâm nhập vào cơ thể gây bệnh. Thời kỳ đầu, bệnh còn ở biểu (phần da, lông), muốn trục tà ắt phải tân ôn giải biểu, phát tán phong hàn, đông y chọn dùng HÃN PHÁP (làm cho ra mồ hôi), 1 trong 8 pháp trị bệnh của trung y.
Thiên ‘Âm Dương Ứng Tượng Đại Luận’ ghi : “Tà khí còn ở bì mao thời làm cho hãn phát tán đi” và “mình nóng như than đốt, nên phát hãn”. Sốt là do tà khí và chính khí giao tranh. Tà khí muốn xâm nhập, còn chính khí thì đẩy ra. Mục đích làm ra mồ hôi là đẩy tà khí theo mồ hôi ra ngoài qua lỗ chân lông. Một khi ra được mồ hôi, sốt tự lui, khí huyết tự lưu thông trở lại.
2. Hai loại cảm mạo thường mắc phải và triệu chứng của nó
Đông y thông qua tứ chẩn “Vọng (nhìn), Văn (nghe), Vấn ( hỏi), Thiết (xem mạch), để quan sát các triệu chứng bên ngoài mà biết được sự biến hoá của bệnh bên trong. Nói về cảm mạo thì rất phức tạp, bài viết này chỉ nói về 2 dạng thường gặp và phù hợp với liệu pháp xông thuốc được đề cập (xin cân nhắc thêm những trường hợp chống chỉ định dùng ở cuối bài trước khi thực hiện)
Cảm mạo có triệu chứng chung là: Đau đầu, phát sốt, cứng gáy, ho, đau họng…
- Cảm mạo phong hàn
Triệu chứng: Nghẹt mũi, giọng khàn, hắt hơi, chảy nước mũi trong hoặc ngứa họng, ho, đàm nhiều trắng loãng, đau đầu, đau mình mẩy, sợ gió, sợ lạnh, phát sốt, không đổ mồ hôi, rêu lưỡi trắng mỏng, mạch phù.
- Cảm mạo phong nhiệt
Triệu chứng: Phát sốt, hơi sợ gió, sợ lạnh, có ra mồ hôi, đau đầu, ngạt mũi hoặc chảy nước mũi nặng, hầu họng sưng đỏ đau, ho ra đàm đặc, rêu lưỡi vàng mỏng, mạch phù sác.
3. Hướng dẫn cách xông thuốc giải cảm
Chuẩn bị bài thuốc xông như sau: Lá bưởi, cúc tần, hương nhu, ngải cứu, tía tô, lá sả, lá tre mỗi thứ một nắm bằng nhau.
Rửa sơ các vị thuốc xong cho vào nồi, đậy vung thật kỹ rồi đun sôi (không nên đun quá lâu làm mất dược tính của thuốc, sôi là được).
Người bệnh chùm chăn phủ kín người với nồi thuốc bên trong, từ từ mở vung để hơi thuốc bốc lên, cần mở vung từ từ và cẩn thận để tránh bị bỏng. Trong lúc xông thì dùng khăn khô để lau mồ hôi, thời gian xông nên tối đa là 10 phút.
Lưu ý: Không được kéo dài.
Sau khi xông nên ăn một bát cháo giải cảm để trợ lực cho chính khí hoặc một cốc nước ấm nóng, không nên làm việc ngay hoặc ra ngay nơi có gió. Nên nằm nghỉ để cơ thể mau hồi sức.
Chống chỉ định
- Người đang bị sốt cao ra nhiều mồ hôi.
- Trẻ nhỏ dưới 7 tuổi, người già yếu, phụ nữ có thai hoặc đang có kinh, người bệnh mất máu, mất nước nặng.
- Người có sử bệnh tim mạch.
- Những người hay ra mồ hôi, mắc bệnh ngoài da.
- Người có biểu hiện tâm thần hoặc sau khi uống rượu.
- Người đang bị tiêu chảy, mất nước.
- Cảm mà đã ra mồ hôi thì cũng không được xông, khi ấy mồ hôi sẽ ra quá nhiều dẫn đến biến chứng nguy hiểm.
4. Sai lầm thường mắc phải
Sai lầm thứ nhất: Xông thuốc nơi có gió lùa hoặc trong phòng bật máy lạnh
Người bệnh không nên chủ quan xông thuốc nơi có gió lùa, mở quạt trong lúc xông hoặc bật máy lạnh trong phòng, việc xông thuốc nhất định phải được thực hiện ở nơi kín gió. Tại sao ?
Vì mục đích của xông thuốc là dùng hơi nước nóng làm giãn mạch ngoại biên, lượng máu được tăng cường, kích thích tuyến mồ hôi hoạt động, trục xuất tà khí ra ngoài, lúc này lỗ chân lông đang mở rộng, nếu gặp phải gió (phong) thì sẽ cảm nhiễm trở lại hoặc sẽ làm giảm hiệu quả của việc trị liệu. Sau khi xông, lỗ chân lông vẫn tiếp tục mở, người bệnh không nên đi tắm ngay sau đó, tốt nhất là lau người thật khô và đi nằm nghỉ.
Sai lầm thứ hai: Thời gian xông quá lâu
Thời gian xông thuốc tối đa 10p, không nên lạm dụng xông hơi quá mức dù cho người bệnh thấy dễ chịu hoặc thích thú, điều đó thật sự sẽ gây hại cho sức khoẻ. Xông hơi lâu không phải là mục đích, mục đích là đưa tà khí ra ngoài theo đường mồ hôi.
Xông lâu sẽ khiến nhịp tim tăng nhanh dẫn đến mệt mỏi và kiệt sức. Lúc này là lúc bạn cần bổ trợ chính khí đánh đuổi tà khí chứ không phải tăng thêm gánh nặng cho nó.
Sai lầm thứ ba: Ăn uống giàu đạm
Trong thời gian mắc bệnh, một chế độ ăn uống hợp lý sẽ giúp nâng cao hiệu quả của việc trị liệu hoặc ngược lại.
Hippocrates có câu: “Hãy dùng thức ăn làm thuốc (let’s food be thy medicine)”
Việc ăn uống giàu đạm trong quá trình mắc bệnh thật sự là một sai lầm. Khi cơ thể cảm nhiễm ngoại tà, người bệnh sẽ có cảm giác buồn ăn, chán ăn, nhạt miệng v.v… tuy nhiên lúc này người bệnh nên ăn uống thanh đạm, dễ tiêu như cháo hành hoặc cháo giải cảm, ăn nóng càng tốt, vì nóng sẽ bổ trợ thêm cho dương khí chống đỡ ngoại tà, còn nếu ăn chế độ giàu đạm sẽ khiến sức chống đỡ giảm xuống vì phải lo đi tiêu hoá chỗ đạm kia, như vậy rất không hợp lý. Thật sự lúc này không phải là lúc để bồi bổ, quá trình bồi bổ là quá trình về sau. Đó là giai đoạn phục hồi sức khoẻ!
5. Lời khuyên
Dương khí hiểu nôm na là sức đề kháng của con người trước sự thay đổi của tiết trời (gió, mưa, lạnh, nóng, khô…), dương khí ban ngày thì đi ở biểu, ban đêm sẽ lui vào trong tạng phủ.
Vậy nên:
– Luôn giữ gìn sức khỏe. Chú ý bồi dưỡng cơ thể đúng mức để không dẫn đến dương khí bị phân tán, suy yếu.
– Không làm việc quá sức dẫn đến hao tổn dương khí
– Không ăn uống đồ lạnh, hoặc tắm nước lạnh, dùng quạt hay điều hòa quá khiến cơ thể bị khí lạnh tấn công mà không đủ sức chống đỡ.
– Không lo nghĩ, buồn bực quá nhiều, khiến ăn uống kém, cơ thể suy mòn, dương khí suy giảm.
– Cẩn thận ban đêm nên giữ ấm thân, nếu nằm ngủ suốt đêm trước quạt máy, điều hòa, nơi có gió lùa, hoặc trong môi trường quá lạnh mà không có chăn đủ ấm…sẽ rất dễ cảm nhiễm ngoại tà.
Kết luận
Hãy coi trọng dưỡng sinh – nâng cao chính khí, chính khí đầy đủ thì bệnh tật bất khả xâm phạm
Nội kinh – bộ sách kinh điển của Đông y đã viết:
“Thánh nhân bất trị dĩ bệnh, trị vị bệnh; bệnh dĩ thành nhi hậu dược chi, loạn dĩ thành nhi hậu trị chi, ví do khát nhi xuyên tỉnh, đấu nhi chú binh, bất diệc vãn hồ”
Nghĩa là: “Bậc thánh y không chờ khi bệnh hình thành rồi mới chữa trị, mà chữa từ khi chưa phát bệnh. Bệnh đã hình thành mới dùng thuốc, xã hội đã rối loạn mới lo chấn chỉnh, khác gì khi khát nước mới lo đào giếng, giặc tới nơi mới đúc binh khí, chẳng quá muộn sao?”
Nói chung, bệnh cảm mới mắc nếu giải cảm kịp thời thì sẽ nhanh hết và không để lại hệ quả. Ngược lại nếu không kịp thời giải hết, phong tà sẽ đi sâu vào bên trong, mở đường cho bách bệnh. Do vậy, chữa cảm phải giải cảm triệt để.
Có nhiều cách phát hãn nhưng cách tốt nhất, rẻ tiền mà hiệu quả là nấu ngay một nồi nước xông, ngồi xông cho ra mồ hôi. Vừa nhanh lại vừa giải cảm triệt để.
(*Lưu ý: Bài viết có tính chất tham khảo, bệnh và thuốc cần tùy cơ địa mỗi người. Người bệnh cũng cần tham khảo thêm ý kiến bác sĩ Đông y có nhiều kinh nghiệm.)
Viên Minh