“Trường hợp người kinh doanh thuốc lên facebook kêu gọi không nhập hàng, bán khẩu trang trên hội nhóm, chúng tôi đang phối hợp với công an để kiểm tra, xem xét. Trường hợp nặng chúng tôi sẽ kiến nghị khởi tố hình sự”, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội Chu Xuân Kiên cho hay.
Chiều ngày 3/2, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội Chu Xuân Kiên cho biết, lực lượng quản lý thị trường đang phối hợp với công an thành phố vào cuộc điều tra, xử lý nghiêm chủ tài khoản kêu gọi không bán khẩu trang trên Facebook.
“Trong lúc cả xã hội đang nỗ lực chống lại dịch bệnh thì đây là hành động vô đạo đức. Chúng tôi sẽ điều tra, xử lý đến cùng trường hợp này, thậm chí xem xét xử lý hình sự”, ông Kiên cho biết.
‘Chúng ta đoàn kết, không nhập khẩu trang và cũng không bán khẩu trang nữa’
Trước đó vào sáng cùng ngày (3/2), nhiều diễn đàn mạng xã hội chia sẻ hình ảnh các cửa hiệu tại chợ thuốc Hapulico, Hà Nội, đồng loạt treo biển không bán khẩu trang và nước rửa tay sau khi cơ quan chức năng vào cuộc xử phạt hàng loạt cửa hàng vi phạm bán khẩu trang giá ‘trên trời’, gấp 5 – 10 lần giá gốc.
Tại thời điểm này, trên mạng xã hội cũng lan truyền bài viết của một thành viên tên Nguyễn Kim Dung trong nhóm ‘Chợ thuốc Hapulico Hà Nội’ với chủ đề kêu gọi các nhà thuốc không nhập và không bán khẩu trang nữa.
“Tất cả nhà thuốc chúng ta liên kết đoàn kết, không nhập khẩu trang và cũng không bán khẩu trang nữa. Việc đó giờ Nhà nước lo, miễn phí hay bán giá như trước thì nhà em không làm được rồi…”, tài khoản Nguyễn Kim Dung đăng tải.
Ngoài ra, thành viên này còn cho biết thêm rằng, “hiện tại cũng 70% các nhà không nhập, 10% không bán, 10% phát miễn phí.”
Phạt 10% tổng doanh thu hoặc xử lý hình sự
Trao đổi về vấn đề trên, ông Nguyễn Minh Đức (Ban Pháp chế – VCCI) cho biết, về mặt pháp lý và đạo đức, việc các nhà thuốc nâng giá khẩu trang trong bối cảnh nguồn cung vô cùng khan hiếm thì có thể thông cảm.
Tuy nhiên, việc đồng loạt không bán dựa trên sự kêu gọi, ‘rủ nhau’, ‘liên kết’ với nhau thì là thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, vi phạm Luật Cạnh tranh. Hành vi trên có thể bị xử phạt 10% tổng doanh thu của năm 2019 hoặc xử lý hình sự.
“Nếu 100 nhà thuốc ra quyết định ngừng bán một cách độc lập với nhau thì không vi phạm nhưng nếu có lời kêu gọi và thỏa thuận cùng ngừng bán chính là vi phạm. Cái sai nằm ở hành vi thỏa thuận với nhau”, ông Minh Đức cho hay.
Găm gần 2.000 khẩu trang, nhà thuốc bị phạt 20 triệu đồng
Cũng liên quan đến vấn đề các nhà thuốc đồng loạt treo biển không bán khẩu trang, mới đây, cơ quan chức năng tỉnh Đắk Lắk đã kiểm tra, phát hiện và phạt 20 triệu đồng một nhà thuốc ‘ém’ gần 2.000 khẩu trang.
Cụ thể, chiều 4/2, lãnh đạo Cục Quản lý thị trường (QLTT) Đắk Lắk cho biết đã kiểm tra đột xuất nhà thuốc Mạnh Đức (số 135 Lý Thái Tổ, Tân An, Buôn Ma Thuột) sau khi nhận được phản ảnh của người dân về dấu hiệu ‘găm hàng’ (khẩu trang) tại đây.
Tại thời điểm kiểm tra, nhà thuốc này không bày bán khẩu trang y tế và nhân viên tại đây cho biết nhà thuốc đã hết mặt hàng này. Tuy nhiên, khi tổ công tác tiến hành kiểm tra trên gác lửng của nhà thuốc phát hiện có 39 hộp khẩu trang cất trong một thùng giấy, với 1.950 khẩu trang y tế.
Lúc này, nhân viên nhà thuốc cũng không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc số khẩu trang trên.
Theo đó cơ quan chức năng nơi đây đã xử phạt hành chính nhà thuốc trên số tiền 20 triệu đồng về hành vi găm hàng theo khoản 2, điều 47, nghị định 185/2013/NĐ-CP…
Vũ Tuấn (t/h)