Tinh Hoa

Xem sắc mặt biết được tình trạng của ngũ tạng

Theo Trung Y, “sắc chẩn” là một hình thức dựa vào màu sắc trên gương mặt để nhìn ra tình trạng của ngũ tạng. Khí sắc của con người chỉ có 10% do trời sinh, 90% còn lại đều có thể thay đổi vì nhiều yếu tố.

Nhìn sắc mặt đoán bệnh cơ thể. (Ảnh: Internet)

“Nhìn mặt bắt tay có thể biết bách bệnh” đây là sự kết tinh của nền Y học cổ truyền kết hợp với kinh nghiệm dân gian. Xét về mặt sinh lý học hiện đại, mỗi con người đều là một thể tổ hợp hoàn chỉnh, bất kể dung mạo thể hình bên ngoài hay lục phủ ngũ tạng bên trong, đều liên quan chặt chẽ với nhau, có thể nói là nhổ một sợi tóc, cũng động cả toàn thân. Chỉ cần một nơi nào đó trên cơ thể có ẩn chữa bệnh tật thì các nơi khác như đầu mặt, chân tay… đều sẽ có biểu hiện khác thường.

Khái quát về màu sắc khuôn mặt, người Trung Quốc thường dùng cụm từ “đỏ vàng mơ hồ” để hình dung.

Trung y giải thích, 2 bên xương gò má của chúng ta có màu đỏ, còn lại các bộ phận khác trên mặt đều màu vàng. Hai màu sắc này thay nhau xen kẽ, không có ranh giới rõ ràng.

Xem sắc mặt chẩn đoán bệnh

Theo trung y, các màu sắc bất thường xuất hiện trên mặt phần lớn đều là dấu hiệu báo trước bệnh tật.

Màu xanh: Trung Y cho rằng, gan là cơ quan phản ánh tâm tình của con người. Do đó, những người có sắc xanh trên mặt đa số đều nóng nảy, dễ cáu, cần đề phòng các chứng bệnh về gan.

Màu sắc xanh tím trên mặt rất có thể là dấu hiệu của việc máu bị ứ đọng, thiếu dưỡng khí, dễ sinh ra cảm giác đau nhức hoặc nguy cơ đột tử bất ngờ.

Màu trắng: Người có sắc mặt quá trắng chủ yếu bắt nguồn từ nguyên nhân thiếu máu. Nếu đi kèm với các dấu hiệu như mất sức, ra nhiều mồ hôi, đây là biểu hiện của chứng máu hư, khí hư.

Màu đen: Toàn bộ gương mặt chuyển sang màu đen là dấu hiệu nghiêm trọng báo trước các chứng bệnh mãn tính về thận, kèm với đó là các biểu hiện như đầu gối bủn rủn, khả năng tình dục suy giảm, bài tiết nước tiểu thất thường…

Màu vàng: Sắc vàng quá độ báo trước tình trạng không ổn định của tỳ vị, cùng với đó là những dấu hiệu như ăn không ngon, dễ trướng bụng, đi tả thường xuyên, đại tiện loãng.

Nếu bỏ qua các dấu hiệu này, cơ thể của chúng ta dễ xuất hiện các tình trạng béo giả hoặc bệnh vàng da.

Màu đỏ: Sắc đỏ quá nhiều trên gương mặt dễ bị hiểu thành “hồng hào”, khiến nhiều người lầm tưởng mình có tình trạng sức khỏe tốt.

Kỳ thực, những người có dấu hiệu này nên cảnh giác với các chứng bệnh về tim, chứng nóng trong, bệnh thương hàn và lao phổi.

Bệnh của ngũ tạng phản ánh qua sắc mặt

Bệnh của ngũ tạng phản ánh qua sắc mặt. (Ảnh: Internet)

Từ màu sắc khác nhau của các vị trí trên mặt, giáo sư Vương cũng có thể chẩn đoán bệnh cho các cơ quan trong cơ thể.

Bệnh về phổi: Xem màu sắc giữa hai chân mày

Khoảng cách giữa hai chân mày được gọi là “ấn đường”. Vị trí này xuất hiện màu đen đồng nghĩa với cơ thể đang mắc những căn bệnh nguy hiểm; màu đỏ là phổi nóng; màu trắng bệch là máu hư, khí hư; màu xanh là máu bị ứ đọng.

Bệnh về tim: Xem màu sắc giữa hai mắt

Màu sắc giữa hai mắt quá đỏ báo trước tình trạng tim nóng, dễ xuất hiện các biểu hiện như phiền muộn, bực dọc, thần kinh không ổn định.

Giữa hai mắt xuất hiện màu xanh tím là biểu hiện của máu ứ đọng hoặc các bệnh về động mạch vành.

Bệnh về gan: Xem màu sống mũi

Sống mũi ửng đỏ là biểu hiện của gan nóng. Vị trí này xuất hiện màu đen xanh lại là dấu hiệu của những căn bệnh nguy hiểm như xơ cứng gan hay ung thư gan.

Bệnh về mật, tuyến tụy: Xem màu hai bên sống mũi

Màu sắc của mặt bên phải sống mũi có liên quan trực tiếp tới tình trạng của mật. Vị trí này xuất hiện màu đỏ là dấu hiệu của chứng nóng trong, dễ đi kèm triệu chứng buồn nôn, nôn mửa; màu đen, xám nâu lại là biểu hiện của bệnh giun đũa.

Trong khi đó, tình trạng của tuyến tụy lại được phản ánh thông qua màu sắc của mặt bên trái sống mũi. Vị trí này có màu tái nhợt là do tuyến tụy bị hư hàn.

Bệnh về lá lách: Xem màu chóp mũi

Chóp mũi đỏ là dấu hiệu của tỳ vị phát nhiệt hoặc bệnh tiểu đường. Chóp mũi trắng bệch phản ánh tình trạng khí hư, màu xanh là biểu hiện của máu ứ đọng, khí trệ.

 Bệnh về dạ dày: Xem màu cánh mũi

Cánh mũi có màu trắng báo trước tình trạng rối loạn tiêu hóa, đi kèm với các triệu chứng như chán ăn, đầy hơi.

Trong khi đó, màu đỏ nhạt lại phản ánh tình trạng bất ổn của nước bọt, gây ra các vấn đề như khô miệng, nứt môi, phân khô.

Nếu cánh mũi xuất hiện màu quá đỏ đồng nghĩa với việc dạ dày bị nóng, xuất hiện tình trạng hôi miệng, lợi sưng đau.

Bệnh về thận: Xem màu má

Nếu hai má sáng sủa, láng mịn là biểu hiện bình thường. Ngược lại, má xuất hiện màu đỏ lại dấu hiệu của bệnh nặng.

Bệnh về tử cung, tuyến tiền liệt: Xem màu nhân trung

Bệnh về tử cung, tuyến tiền liệt: Xem màu nhân trung. (Ảnh: Internet)

Nhân trung có màu trắng là biểu hiện của chứng khí hư, máu hư; màu vàng báo hiệu tỳ hư.

Vị trí này xuất hiện màu đỏ đồng nghĩa với việc nữ giới mắc bệnh xói mòn cổ tử cung, nam giới mắc viêm tuyến tiền liệt. Nhân trung xuất hiện màu xanh hoặc đen là dấu hiệu đặc biệt nguy hiểm, có thể liên quan tới các bệnh ung thư.

 

Chúc Di (t/h)