Tinh Hoa

Xem phim Interstella, nói chuyện du hành thời gian

Toàn bộ nội dung phim Interstella thể hiện trọn vẹn câu nói của người xưa “Một ngày phương trời, nghìn năm mặt đất”, đây vốn thuộc về văn hóa tu luyện phương Đông. Có thể không phải ngẫu nhiên mà cái bị cho là mê tín cổ đại lại hiện diện trong trí tưởng tượng của đạo diễn Christopher Nolan.

Một cảnh trong phim Interstella.

Interstella là một bộ phim khoa học viễn tưởng thuộc thể loại phiêu lưu, thám hiểm trong vũ trụ. Một trong số những hành tinh được nhắc đến trong phim có tên là Gargantua, do nằm rất gần một lỗ đen vũ trụ nên trường thời gian của nó bị lực hút cực mạnh của lỗ đen làm biến dạng. Một tiếng đồng hồ trên hành tinh đó tương đương với bảy năm ở ngoài không gian. Hai phi hành gia đã đáp phi thuyền con xuống bề mặt hành tinh này để thu thập dữ liệu trong vòng vài giờ, nhưng khi quay lại phi thuyền mẹ ở ngoài không gian, họ phát hiện ra rằng cộng sự của họ đã chờ đợi họ trong 20 năm.

Hiện tượng chênh lệch thời gian này không phải là cái gì đó quá mới mẻ đối với văn hóa phương Đông. Các câu chuyện dân gian Việt Nam vẫn hay kể về một người được dẫn đi thăm cõi tiên, khi quay trở về đã thấy nhân gian thay đổi đến mức không nhận ra nữa, ví như câu chuyện “Từ Thức gặp tiên“. Trong câu chuyện này, sau một năm chung sống với vợ là nàng tiên Giáng Hương ở nơi tiên cảnh, Từ Thức quay lại cõi trần thăm gia đình và sửng sờ khi phát hiện ra ở nhân gian đã 80 năm trôi qua. Vị chi một giờ ở trường không gian của Giáng Hương tương đương với 80 giờ ở trường không gian của cõi phàm.

Một “nhà du hành thời gian” khác vào năm 1967 cũng đã ghi chép lại trải nghiệm của mình trong cuốn sách “Tây Phương Cực Lạc Thế Giới Du Ký“. Đó chính là hòa thượng Khoan Tịnh được Quan Âm Bồ Tát dẫn đi tham quan thế giới Tịnh Độ của Phật A Di Đà, sau một ngày trở về thì thấy đã sáu năm trôi qua. Trong kinh Phật viết rằng thế giới Cực Lạc này tọa lạc trong một hệ ngân hà nằm ở phương Tây, cách Trái Đất mười vạn ức cõi Phật. Khoa học hiện nay chưa thể lý giải được “phương Tây” trong vũ trụ là hướng nào, và “mười vạn ức cõi Phật” quy đổi ra bao nhiêu năm ánh sáng. Manh mối duy nhất mà chúng ta có được là một ngày ở cõi Cực Lạc bằng sáu năm cõi phàm. Tương đương với một giờ ở Cực Lạc bằng 91 ngày ở đây. Sự chênh lệch không quá lớn như ở hành tinh Gargantua. Do đó chúng ta có thể tạm đoán rằng thế giới Cực Lạc không nằm cạnh một lỗ đen vũ trụ nào. Đây có thể là tin vui cho các Phật tử.

“Thời gian là điều mà mọi người đều nghĩ là mình biết tường tận. Cho đến khi bạn yêu cầu họ giải thích về nó.” (David Albert, giáo sư Triết học, đại học Columbia)

Báo chí hiện đại cũng thường xuyên đưa tin về những con tàu, máy bay bỗng dưng mất tích, sau vài năm hoặc vài chục năm lại tái xuất. Những người ở trên tàu hoặc trên chuyến máy bay ấy chỉ cảm thấy vài tiếng đồng hồ trôi qua.

Vì sao hiện tượng này lại xảy ra? Einstein phát hiện ra thời gian có thể biến thiên theo các nhịp điệu khác nhau. Ông cho rằng quá khứ, hiện tại và tương lai chỉ là một khái niệm ảo giác, thật ra chúng đồng thời tồn tại. Giống như hai người bạn cùng bắt đầu xem một bộ phim trên hai máy tính khác nhau. Một người có thể xem bộ phim ấy với tốc độ bình thường, nhưng người kia có thể tua nhanh hơn để xem hết bộ phim ấy trước rồi sau đó kể cho người chưa xem xong nghe trước hồi kết.

Quá khứ, hiện tại và tương lai đều đồng thời tồn tại.

Chúng ta hãy cùng giáo sư vật lý lý thuyết Brian Greene của trường Đại học Columbia lấy một ví dụ về hiện tượng chênh lệch thời gian. Giả sử một người đàn ông đang ngồi ở Trái Đất, cùng thời điểm đó trên một hành tinh cách Trái Đất vài triệu năm ánh sáng cũng có một người Da Xanh đang đứng. Vì bản thân họ không chuyển động nên thời gian của họ đang trôi cùng tốc độ với nhau.

Khi người Da Xanh đạp xe đi dạo, anh ta đã dùng năng lượng chuyển động của mình để tác động lên dòng chảy thời gian và chiểu theo thuyết tương đối rộng của Einstein thì trường thời gian ấy không trôi cùng tốc độ với người Trái Đất nữa. Cái “hiện tại” của người Da Xanh lại là “quá khứ” của người Trái Đất.

Nếu vậy chẳng phải bạn chỉ cần rời khỏi máy tính để ra ngoài chạy bộ vài phút và khi quay lại đã phát hiện người nhà của bạn đã chờ đợi bạn vài chục năm. Thật ra thì tốc độ chuyển động hàng ngày của chúng ta quá chậm để có thể tạo ra được sự chênh lệch đáng kể. Tương tự, tốc độ đạp xe của người ngoài hành tinh kia cũng chỉ tạo ra được một độ lệch nhỏ xíu.

Tuy nhiên, một góc lệch nhỏ xíu khi được nhân lên với khoảng cách vài triệu năm ánh sáng, thì lượng thời gian chênh lệch sẽ rất khủng khiếp. Con số có thể là 40 năm hay hay thậm chí là 200 năm.

Trước khi leo lên xe đạp, người Da Xanh còn đang ở cùng thời điểm với người Trái Đất. Sau khi đạp xe một vòng, người Da Xanh lại ở cùng thời điểm với Beethoven. Nghĩa là anh ta đã du hành ngược thời gian.

Trước khi leo lên xe đạp, người Da Xanh còn đang ở cùng thời điểm với người Trái Đất. Sau khi đạp xe một vòng, người Da Xanh lại ở cùng thời điểm với Beethoven.

Tùy thuộc vào phương hướng và tốc độ của chuyển động mà dòng thời gian bị ảnh hưởng khác nhau. Nếu người Da Xanh thay đổi hướng đạp xe, có thể dòng thời gian của anh ta sẽ trôi nhanh hơn về phía tương lai của người Trái Đất.

Chúng ta có thể thấy rằng những truyền thuyết của người xưa không hẳn là sản phẩm của trí ưởng tượng. Nhiều sách cổ ghi chép về những vị tiên nhân sống hàng ngàn tuổi sau khi  “luyện đan”. Đó là lối dùng từ của người xưa, với góc nhìn của khoa học hiện đại, rất có thể hình thức “luyện đan” ấy là một kỹ thuật, hay thậm chí là một công nghệ cổ xưa giúp con người điều khiển được dòng chảy của thời gian.

“Quá khứ chưa hề trôi qua và tương lai thì đã diễn ra. Quá khứ, hiện tại và tương lai đang tồn tại cùng lúc.” (Max Tegmark, giáo sư vật lý, nhà vũ trụ học thuộc viện nghiên cứu MIT)

Những câu chuyện về việc du hành giữa trần gian và tiên giới, về việc người phàm được đưa đến thế giới của Thần… được lưu truyền rất nhiều và đã trở thành một phần văn hóa của người cổ đại. Chứng tỏ hiện tượng ấy đã xảy ra rất thường xuyên. Nếu chúng ta nghiêm túc bảo lưu những tài liệu cổ, biết giữ gìn văn hóa truyền thống, có lẽ sẽ có một ngày khoa học phương Tây sẽ vén mở được bức màn bí ẩn của văn hóa phương Đông và chính họ sẽ phải học hỏi từ đó rất nhiều điều.

Giờ thì còn chờ gì nữa mà không lấy xe đạp chạy vài vòng để không những khỏe mạnh hơn, trẻ hơn mà biết đâu nếu may mắn lọt vào một lỗ hổng thời gian thì sẽ được trường sinh bất lão nữa.

Châu Xuân – CTV TinhHoa.Net