Tinh Hoa

Xe khách chở hàng trăm con heo sữa thối về miền Tây tiêu thụ

Một chiếc xe khách chở hàng trăm con heo chết bốc mùi hôi thối qua cửa ngõ TP.HCM về Đồng Tháp tiêu thụ đã bị cơ quan chức năng chặn giữ.

Cơ quan chức năng xử lý số heo sữa chết đã bốc mùi. (Ảnh: Tuổi Trẻ)

Ngày 9/12, ông Phạm Ngọc Chí – trạm trưởng trạm kiểm dịch động vật Thủ Đức – Chi cục Thú y TP.HCM cho biết trạm vừa phối hợp đội CSGT Rạch Chiếc, Công an TP.HCM ngăn chặn một xe khách tuồn hàng trăm con heo chết qua cửa ngõ TP.HCM về Đồng Tháp tiêu thụ.

Khoảng 7h30 cùng ngày, đoàn liên ngành tuần tra trên quốc lộ 1 – đoạn qua P.Linh Trung (Q.Thủ Đức) phát hiện một xe khách (do tài xế Huỳnh Hữu Linh – 37 tuổi, quê Cao Lãnh, Đồng Tháp điều khiển) có dấu hiệu nghi vấn nên yêu cầu dừng xe kiểm tra. Đoàn phát hiện trong khoang hành lý xe khách có 3 bao tải lớn, chứa tổng cộng 152 con heo sữa chết với trọng lượng 238kg.

Tài xế không xuất trình được nguồn gốc, giấy chứng nhận kiểm dịch của lô heo. Đặc biệt, qua kiểm tra các cán bộ Thú y xác định lô heo trong tình trạng dơ bẩn, nhiều con có dấu hiệu tụ huyết, rỉ dịch, bầm dập, bốc mùi hôi thối…

Theo tài xế Linh, lô heo chết trên được một đầu mối thuê chở từ khu công nghiệp Bàu Xéo (Trảng Bom, Đồng Nai) về Hồng Ngự (Đồng Tháp) với giá 300.000 đồng. Đến nơi giao hàng gọi điện thoại sẽ có người ra nhận.

Nếu số heo sữa chết này được tuồn ra thị trường thì hậu quả sẽ rất nghiêm trọng. Trước đó, bệnh nhân Đ.V.T. (32 tuổi, Hà Nội) được đưa vào bệnh viện ngày 18/11 trong tình trạng nguy kịch, toàn thân nổi ban hoại tử và phải đặt máy thở, dùng thuốc vận mạch, trợ tim và truyền máu ngay.

Nhiễm liên cầu khuẩn lợn gây nhiều biến chứng nguy hiểm

Bệnh nhân được chẩn đoán mắc liên cầu khuẩn lợn, kèm theo các biểu hiện nhiễm trùng huyết có sốc nhiễm trùng nặng, suy gan, suy thận và chảy máu dạ dày rất nguy kịch. Theo người thân của bệnh nhân T., trước đó bệnh nhân đã ăn thịt heo sữa chết.

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Trưởng Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương ) cho biết khi nhiễm liên cầu khuẩn lợn, bệnh sẽ diễn biến cực kỳ nhanh chóng, suy đa phủ tạng. Nếu đến muộn thì cơ hội cứu chữa rất thấp. Với bệnh nhân T., việc nhiễm liên cầu khuẩn có thể do quá trình tiếp xúc, giết mổ lợn mang vi khuẩn bệnh hoặc do ăn thịt lợn không được nấu chin.

Theo vietq.vn