Kết quả nghiên cứu mới đây của Đại học Khoa học và Công nghệ Na Uy có thể làm nản lòng nhiều người yêu môi trường, xe ôtô chạy điện có thể gây ô nhiễm nhiều hơn cả xe chạy xăng hay dầu diesel.
Theo báo cáo được công bố, lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính sẽ tăng lên đáng kể bởi muốn tạo ra điện con người sẽ dùng đến… than. Không những thế, nhà máy sản xuất xe điện cũng tạo ra nhiều chất thải độc hại hơn so với sản xuất xe thông thường. Tất nhiên, xét trên một khía cạnh nào đó, việc sản xuất ra loại xe này vẫn có ý nghĩa quan trọng với công tác bảo vệ “mái nhà chung của con người”. Nhóm đã tiến hành nghiên cứu trên vòng đời của các phương tiện loại thường và chạy điện để xem xét các tác động lên môi trường. Về cơ bản, họ coi việc sản xuất, sử dụng, tháo dỡ hay tiêu hủy một chiếc xem đều có thể tác động đến môi trường. Một thành viên trong nhóm nghiên cứu, Giáo sư Anders Hammer Stromman, cho biết nguy cơ gây ra hiện tượng nóng lên toàn cầu từ việc sản xuất xe điện cao gấp hai lần so với việc chế tạo những chiếc xe con người thường dùng. Ngay cả sản xuất các phụ tùng và bộ phận như pin hay động cơ điện cũng đòi hỏi nguồn nguyên vật liệu độc hại như đồng, niken hay nhôm; nói cách khác, tác động của quá trình axít hóa nguy hại hơn nhiều so với việc sản xuất một chiếc xe thông thường. Theo các nhà nghiên cứu, xe điện sẽ có tỷ lệ “đóng góp” vào các cơn mưa axít, các hạt vật chất trong không khí, khói, các độc tính có thể gây tổn hại cho con người và hệ sinh thái, làm cạn kiệt nguồn nhiên liệu hóa thạch và các nguồn tài nguyên khoáng sản, tương đương hoặc thậm chí cao hơn so với động cơ đốt trong hiện đại, dù không phải qua con đường trực tiếp. Dù người ta cũng có thể giảm thiểu các tác động gián tiếp tiêu cực này bằng cách sử dụng những nguồn năng lượng sạch hơn trong quá trình sản xuất, song có một thực tế là nhiên liệu hóa thạch như than đá, than non, hay các nguồn lực từ dầu tạo ra điện lại được sử dụng phổ biến hơn ở nhiều khu vực trên thế giới. Nhưng xe điện hoàn toàn có thể trở thành “người bạn” đáng tin cậy của môi trường. Nếu chiếc xe có tuổi thọ lâu dài thì khi đó, hiệu quả nó mang lại khi sử dụng xe sẽ lấn át được phần ô nhiễm nó đã tạo ra trong quá trình sản xuất. Theo nghiên cứu, nếu vòng đời một chiếc xe quy đổi theo quãng đường là 200.000km thì có thể thân thiện môi trường hơn xe chạy xăng từ 27-29% và so với xe chạy dầu diesel là 17-20%. Nếu tuổi thọ chỉ đạt 100.000km thì các con số sẽ giảm xuống chỉ còn khoảng 9-14%. Điều quyết định cho tuổi thọ của xe điện chính là pin. Pin sống càng lâu thì quãng đường xe đi được càng lớn, điều này cũng góp phần giảm thiểu lượng pin cần sản xuất thêm để thay mới. Qua đó, các nhà nghiên cứu cũng khuyên người tiêu dùng khi mua xe thì điều đầu tiên cần chú ý là “tuổi thọ pin” và “chất lượng bảo hành”. Dù kết quả nghiên cứu này có thể gây hoang mang cho người tiêu dùng và tác động không nhỏ đến ngành công nghiệp ôtô trên thế giới, thì người tiêu dùng cũng không phải quá lo lắng bởi với công nghệ tăng tốc từng ngày như hiện nay, việc sản xuất ra một chiếc xe điện có tuổi thọ cao là điều không quá khó khăn. Người tiêu dùng vẫn có thể mong chờ vào những sản phẩm thân thiện với môi trường, hay ít nhất, nó cũng có thể có ý nghĩa với những người đang phải “sống trong sợ hãi” trước mối hiểm họa xăng “bẩn” có nguy cơ gây “đột tử” cho xế và chủ phương tiện. Theo Sống Mới |
Theo Zing