“Ban đầu chúng tôi chỉ tính rào bằng lưới B40, nhưng thời gian dài họ cứ đăng lên Facebook chửi rủa nhà tôi, kêu là đồ thất đức, bán đất đắt… nên mấy anh em trong nhà mới tức, xây tường”, bà Lý nói.
Báo Tuổi Trẻ Online đưa tin, thời gian gần đây, người dân thôn Tất Viên, xã Bình Phục, huyện Thăng Bình, Quảng Nam được phen xôn xao về chuyện ngôi nhà của ông Trương Văn Vũ và bà Nguyễn Thị Bích Kiều nằm trên tuyến đường nối từ đường cứu hộ, cứu nạn (đường ven biển 129) đến quốc lộ 1 bị xây một bức tường rào chắn ngang trước cổng nhà bằng gạch cao 2m, dài 20m, khiến người nhà không thể ra vào.
‘Họ bán đất đắt, vợ chồng tôi làm công nhân nên không có tiền mua’
Bà Kiều cho biết nhà của bà được xây từ 3 năm trước, thời điểm đó, muốn đi từ cổng ra đường chính mọi người phải đi qua miếng đất của gia đình ông Nguyễn Ấm (ông Ấm đã mất, ông Nguyễn Tài và các anh em thừa kế).
Từ khi còn đang xây, ông Tài nói nhà bà Kiều mua miếng đất của ông Ấm đi, ông Tài cùng các anh em để lại với giá 800 triệu đồng, tuy nhiên, do thấy quá đắt, không có tiền nên nhà bà Kiều không mua.
Khi xây xong nhà, gia đình bà gặp ông Tài xin mượn đất làm đường đi tạm, cả hai bên có ký giấy làm biên bản cho mượn đất. Sau đó ông Tài nhiều lần nói muốn bán thửa đất, năm 2020 ông nói giá 600 triệu đồng, năm nay còn 300 triệu đồng.
Lúc này gia đình cố gắng vay mượn để có tiền mua lại miếng đất này nhằm thuận tiện đi lại và kinh doanh. Tuy nhiên sau khi cán bộ địa chính xã tới đo đạc, biết độ rộng của đất quá nhỏ mà giá lại cao, số tiền vay mượn cũng không đủ nên nhà bà Kiều lại không mua nữa.
“Chúng tôi cứ tưởng miếng đất rộng 30m2, nhưng cán bộ địa chính xã đo đạc thì chỉ hơn 16,5m2 nên không đồng ý với giá 300 triệu. Đất chừng đó mà bán vậy, cao gấp 10 lần so với giá đền bù nhà nước”, bà Kiều nói.
Trong khi đó, ông Vũ cũng cho biết, vợ chồng ông làm công nhân nên không có số tiền lớn như vậy để mua đất của ông Tài. Do quá bức xúc vì cảm thấy gia đình ông Tài thổi giá đất quá cao, không nghĩ đến tình làng nghĩa xóm nên trong một lần uống rượu say ông đã lên Facebook nói không tốt về gia đình ông Tài. “Trước đây khi nhậu, tôi có viết không tốt về gia đình ông Tài nhưng đã gỡ xuống”, ông Vũ nói.
Sau vụ việc này, đến tháng 3, ông Tài đã thuê người tới xây dựng tường rào bịt luôn cổng nhà của ông Vũ và bà Kiều. “Đất của họ thì họ làm rào, nhưng tôi mong họ xây thấp lại hoặc làm lưới B40 chứ xây cao 2m như này khiến cả căn nhà bị bịt kín, tối om, trời nắng nóng vô cùng, lỡ có hỏa hoạn cũng không biết chạy đâu“, bà Kiều bức xúc nói.
‘Cho họ mượn đất, đến khi có việc cần lấy lại thì họ không chịu, lại còn chửi nhà tôi’
Cũng chia sẻ về vụ việc trên, ông Nguyễn Tài cho biết, ban đầu ông có làm hợp đồng cho nhà ông Vũ mượn đất đi lại, nhưng đến năm nay em trai của ông muốn dùng mảnh đất này để chứa vật liệu công ty nên ông đòi lại thì nhà ông Vũ lại không chịu trả, còn làm mái vòm bán nước giải khát.
Sau khi tranh cãi thì nhà bên đã trả đất nhưng họ lại đăng lên Facebook chửi gia đình ông Tài, vì vậy anh em nhà ông Tài bức xúc nên mới thuê người xây tường rào.
Vợ của ông Tài là bà Trương Thị Hồng Lý (65 tuổi) thông tin thêm, ngày trước nhà ông Vũ đi đường khác, nhưng thấy làm đường thì họ làm nhà quay ra đường, trước miếng đất bố mẹ để lại cho anh em ông Tài.
“Họ mượn đất gia đình tôi, chúng tôi đòi lại. Họ nói bán đắt không mua, chúng tôi rào đất lại vì sợ người ta đổ rác bậy bạ mất vệ sinh. Ban đầu chúng tôi chỉ tính rào bằng lưới B40, nhưng thời gian dài họ cứ đăng lên Facebook chửi rủa nhà tôi, kêu là đồ thất đức, bán đất đắt… nên mấy anh em trong nhà mới tức, xây tường“, bà Lý nói.
Theo ông Tài, mọi việc trở nên căng thẳng là do thái độ từ nhà bà Kiều, lúc trước gia đình ông ra giá 300 triệu vì mảnh đất kia tuy nhỏ nhưng có 3 mặt tiền, lại nằm cạnh đường lớn, nếu nhà bà Kiều cảm thấy đất đắt, nhà ông Tài sẵn sàng thương lượng để thuận cả đôi bên nhưng họ lại lên Facebook chửi rủa, đe dọa gia đình ông.
“Chúng tôi biết tình làng nghĩa xóm, nhìn vào bức tường trước nhà cũng thấy phản cảm nhưng việc làm của gia đình họ là không được. Bây giờ kể cả họ sang xin lỗi, tôi và anh em cũng không chấp nhận bán đất và phá dỡ bức tường”, ông Tài khẳng định.
‘Đúng sai chưa nói nhưng còn đâu tình làng nghĩa xóm’
Trao đổi với phóng viên về vụ việc trên, ông Phan Ngọc Bốn – phó chủ tịch UBND xã Bình Phục – cho biết, tuyến đường nối từ đường ven biển 129 đến quốc lộ 1 có cắt qua đất trồng cây lâu năm của gia đình ông Tài. Sau khi thu hồi, phía bên kia còn lại miếng đất nhỏ nằm trước nhà ông Vũ.
Giữa 2 gia đình này có thỏa thuận mua bán miếng đất trên nhưng không thành. Sau đó gia đình ông Tài xây tường chắn ngang cổng nhà ông Vũ.
Địa phương sau đó có mời 2 bên lên làm việc, trước tiên là hòa giải. Khi xây dựng tường rào, UBND xã đã lập biên bản đình chỉ, yêu cầu tháo dỡ, trả lại nguyên trạng bởi mảnh đất đó là đất trồng cây lâu năm, nằm trên hành lang đường.
“Tôi yêu cầu họ tạm dừng để xem xét, xin ý kiến huyện giải quyết bởi mảnh đất nằm trên hành lang đường, thuộc đất trồng cây lâu năm và xây dựng chắn ngang trước nhà người khác.
Về mặt lý chưa bàn đến, nhưng về tình làng nghĩa xóm thì giữa hai gia đình này là không ổn. Tôi nghĩ chắc cũng có vấn đề gì họ mới xây tường chắn ngang vậy chứ không ai lại đi làm việc đó.
Đúng sai thì chưa nói, nhưng việc này thấy phản cảm. Tình làng nghĩa xóm, đau ốm có nhau, cho dù gia đình ông Tài có đúng chăng nữa nhưng làm vậy thì chưa được”, ông Bốn cho biết.
Yên Yên (t/h)