Các nhà nghiên cứu vô cùng ngạc nhiên trước xác của một chú chó săn mắc kẹt trong thân cây suốt gần 60 năm mà vẫn nguyên vẹn, không hề bị phân hủy chút nào.
Trang IB Times đưa tin, các công nhân đốn gỗ ở công ty Georgia Kraft Corp đã vô cùng bất ngờ khi thấy một con chó săn màu nâu trắng thò đầu ra nhìn họ từ khoảng rỗng trên khúc gỗ.
Điều đặc biệt gây sửng sốt là cơ thể chú chó được bảo tồn cực tốt, trở thành xác ướp hóa đá trong gần 60 năm mà không có bất kỳ kỹ thuật ướp xác nào.
Theo các chuyên gia, vào khoảng năm 1960, con chó chạy qua lỗ rỗng ở dưới gốc cây và từ sau đó lỗ rỗng đã cao lên cách mặt đất 8,5 m do thân cây mọc dài. Do khoảng trống hẹp, con chó bị mắc kẹt. Nó không bao giờ bắt được con mồi và cũng không có ai kéo nó ra. Không thể thoát thân, nó nằm mãi trong chiếc bẫy ngẫu nhiên và bỏ mạng ở đó.
“Đó là một con chó săn đực, vì thế chúng tôi đoán chừng nó đang đuổi theo vật nào đó qua gốc cây“, Bertha Sue Dixon, quản lý bảo tàng Southern Forest World, nơi đang lưu giữ xác con chó, cho biết.
Khoảng 20 năm sau, các công nhân đốn gỗ tìm thấy con chó bất động. Thay vì nghiền khúc gỗ, họ quyên góp cho bảo tàng Southern Forest World. Con chó được đặt tên là Stuckie và trở thành tâm điểm thu hút sự chú ý kể từ đó. Ngày nay, khách tham quan có thể ngắm nhìn con chó qua lớp kính với tư thế nhoài mình ra ngoài tìm tự do.
Nhưng vì sao sau mấy thập kỉ ròng rã, không sử dụng bất cứ biện pháp ướp xác nào mà chú chó này vẫn nguyên vẹn vậy nhỉ?
Nhà nhân chủng học tại ĐH West Floria – Kristina Killgrove lý giải, xác con chó được bảo quản nguyên vẹn trong thời gian dài như vậy nhờ những đặc tính của ngôi mộ gỗ bao quanh nó.
Theo ông, thông thường khi 1 người hoặc vật chết đi, vi khuẩn trong cơ thể không bị kiểm soát bởi các quá trình sinh học như ở sinh vật sống, chúng bắt đầu “ăn cơ thể”, quá trình thối rữa sẽ xảy ra. Đây là phần ghê nhất bởi tổ chức vi sinh vật trong ruột sẽ phát triển, sinh sôi và chiếm hữu cơ thể. Cơ thể lúc này sẽ trương lên và thối rữa, vi khuẩn, nấm hay động vật khác sẽ xuất hiện để liên hoan cái xác.
Nhưng đây không phải là điều xảy ra với Stuckie trong cây dẻ sồi, nguyên nhân gây ra cái chết cũng như là chiếc “quan tài” hoàn hảo cho con chó này. Mấu chốt vấn đề nằm ở chính phần cây dẻ sồi.
Cây dẻ sồi chứa chất chát, được sử dụng để thuộc da động vật và ngăn phân hủy. Cần nói rõ hơn rằng, chất chát là một chất khử nước tự nhiên thế nên chúng có khả năng hút ẩm, làm khô môi trường xung quanh đó. Trong môi trường độ ẩm thấp, chúng vô tình ngăn hoạt động của vi sinh vật, từ đó chống lại quá trình phân hủy, ông Killgrove cho hay.
Cùng với đó, do vị trí và hình dáng của cây sồi khiến lượng không khí lưu thông hướng lên trên nên các loài vật ăn xác thối không bao giờ phát hiện ra có chú chó chết ở trong thân cây cả.
Nhiều động vật khác cũng được bảo quản một cách tình cờ nhờ những chất làm khô tự nhiên như cát, than bùn, muối hoặc cỏ. Ví dụ, vào thế kỷ 17 và 18 ở Anh, một số thợ xây nhét một con mèo vào giữa những bức tường của ngôi nhờ để xua đuổi phù thủy, và bức tường trát vữa sẽ bảo quản con vật, làm cho nó không bốc mùi.
Tú Văn (t/h)