Lấy lý do gia đình chưa đóng tiền làm đường thôn, cán bộ xã Kim Lộc (Hà Tĩnh) đã thêm dòng chữ “Gia đình chưa chấp hành các khoản đóng nộp của thôn” vào hồ sơ lý lịch nhập học của T.Đ.Q., tân sinh viên ở Đà Nẵng.
Chị Trần Thị Vân (42 tuổi, trú thôn Yên Tràng, xã Kim Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh) cho biết, hơn 2 tuần trước, con trai chị tới trụ sở UBND xã Kim Lộc xin xác nhận lý lịch để làm hồ sơ vào đại học ở Đà Nẵng.
Ban đầu, cán bộ phòng giao dịch một cửa của xã phê vào lý lịch là: “Bản thân và gia đình chấp hành tốt nghĩa vụ của công dân, pháp luật của nhà nước“, rồi đưa cho Phó chủ tịch xã Kim Lộc Nguyễn Đăng Khoa ký, đóng dấu.
Tuy nhiên, sau đó cán bộ tài chính của xã nhận được thông báo từ thôn Yên Tràng rằng gia đình chị Vân chưa đóng 2,6 triệu đồng kinh phí làm đường ở thôn từ năm 2014, nên xã giữ lại lý lịch, yêu cầu bố mẹ em này lên làm việc, cam kết đóng nộp mới trả lại hồ sơ.
Theo chị Vân, cậu con trai sau đó tỏ ra bức xúc, từ chối lời đề nghị trên của một số cán bộ và nói rằng muốn lấy hồ sơ về sớm để có thời gian chuẩn bị đi nhập học. Cậu bày tỏ, “nếu cán bộ không đồng tình với gia đình thì cứ ghi trong lý lịch: còn nợ tiền bê tông nông thôn, rồi trả lại hồ sơ cho cháu“.
Các cán bộ xã Kim Lộc sau đó đã ghi thêm một dòng trong phần nhận xét lý lịch đã được đóng dấu từ trước: “Gia đình chưa chấp hành các khoản đóng nộp của thôn“.
Trở về nhà, tân sinh viên gọi điện cho đại diện trường mình sắp nhập học hỏi việc gia đình đang thiếu tiền, bị xã “bút phê” gây khó, liệu có ảnh hưởng gì không. Đại diện nhà trường phúc đáp “cứ nhập học bình thường, không có vấn đề gì“.
“Cô giáo của con trai khi xem hồ sơ thấy xã phê như vậy nên hỏi gia đình, tôi trình bày sự tình, được cô khuyên nên đóng ít tiền cho xã để làm lại bản lý lịch đẹp hơn, để như vậy tội cháu“, chị Vân nói.
Nghe lời cô giáo, người phụ nữ đóng 500.000 đồng cho xã, và được cán bộ xã làm lại bản lý lịch mới để con trai vào Đà Nẵng nhập học; chị cũng ký cam kết thời gian tới sẽ đóng khoản tiền còn lại.
Cậu con trai sau đó đã đăng tải nội dung sự việc lên mạng xã hội. Gia đình chị Vân cũng làm đơn đề nghị cơ quan chức năng làm rõ.
Chị Vân trình bày, gia đình từ trước tới nay luôn đóng đầy đủ các khoản tiền của thôn. Song năm 2014, khi thôn tổ chức làm đường bê tông vào các ngõ ngách, chị cùng với một số hộ khác ở cách xa 1 km, không đi vào những ngõ ngách đó nên đã đề nghị xã giảm tiền đóng. Thời gian qua, chưa nhận được trả lời của xã nên gia đình chưa nộp.
“Tôi thấy chưa công bằng trong đóng nộp, nên đang ý kiến, chứ không phải không chấp hành“, chị nói.
Ngày 21/8, Chủ tịch UBND xã Kim Lộc Trần Văn Hữu cho biết, sự việc trên là đáng tiếc, “trong các cuộc họp của xã, việc một số hộ dân nợ tiền thôn được đưa ra bàn, song cách thu hồi nợ bằng bút phê vào lý lịch là chưa đúng“.
Ông Hữu cho hay, xã đã kiểm điểm một số cán bộ trong việc giải quyết hồ sơ cho con chị Vân.
Có thể thấy hồ sơ của em T.Đ.Q. chính là mẫu lý lịch sinh viên do Bộ Giáo dục và đào tạo ban hành năm 2007, được các trường áp dụng suốt 10 năm nay, trong đó đề nghị chính quyền địa phương xác nhận “việc thực hiện nghĩa vụ công dân và chấp hành pháp luật của học sinh, sinh viên tại địa phương”.
Mẫu lý lịch này là nguyên nhân dẫn đến nhiều trường hợp “bút phê” gây khó cho sinh viên như ở Hà Nội gần đây. Ngoài ra, cách “bút phê” như vậy cũng xuất hiện cả ở các mẫu lý lịch thông thường như trường hợp ở Hải Dương.
Năm 2014, Cục Hộ tịch, Quốc tịch, chứng thực – Bộ Tư pháp hướng dẫn: UBND cấp xã không được ghi nội dung về việc chấp hành pháp luật, chủ trương, chính sách của Nhà nước, địa phương vào sơ yếu lý lịch của công dân.
Theo VNE