Tinh Hoa

WHO: Vắc-xin Ebola đã sẵn sàng thử nghiệm vào năm 2015

(AFP) – Hàng nghìn liều vắc-xin thử nghiệm Ebola đã sẵn sàng sử dụng ở các nước Châu Phi vào đầu năm 2015, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thông báo.

Các nhân viên y tế mặc quần áo bảo hộ ở một trung tâm điều trị Ebola tại Conakry vào ngày 25/9/2014 (Ảnh: AFP/Cellou Binani)

“Nếu mọi chuyện diễn ra tốt đẹp, chúng tôi có thể bắt đầu sử dụng một số loại vắc-xin tại các nước đang xảy ra dịch bệnh vào đầu năm tới”, trợ lý tổng giám đốc WHO Marie-Paule Kieny cho biết.

Tính tới thời điểm hiện nay, chưa có loại thuốc hay vắc-xin nào được cấp phép điều trị để chống lại chủng virus khiến 3.000 người tử vong ở Tây Phi. Cơ quan y tế của Liên Hiệp Quốc hiện đang tiến hành thử nghiệm một số loại vắc-xin chống virus này trên cơ thể người.

WHO đang tập trung vào hai loại vắc-xin sau: Loại thứ nhất được sản xuất bởi công ty GlaxoSmithKline (GSK) của Anh, loại thứ hai do tập đoàn NewLink Genetics của Mỹ sản xuất. Hiện tổ chức này đang làm việc với cả hai công ty trên để đẩy nhanh tiến độ thử nghiệm lâm sàng, bà Kieny nói với báo giới ở Geneva.

Ngoài ra, còn có loại khác được sản xuất bởi công ty Johnson & Johnson của Mỹ cũng nằm trong danh sách của WHO, nhưng “phải vài tháng sau mới tiến hành thử nghiệm”, bà Kieny cho biết.

Một số thử nghiệm lâm sàng vắc-xin GSK đã được tiến hành tại Mỹ và Anh, trong khi những nghiên cứu khác sẽ được bắt đầu ở Mali vào tuần tới.

Các nhân viên y tế mặc quần áo bảo hộ và đang khử trùng tại một trung tâm điều trị Ebola ở Conakry vào ngày 25/9/2014. (Ảnh: AFP/Cellou Binani)

Tập đoàn NewLink tại Mỹ cũng đang chuẩn bị để bắt đầu thử nghiệm vắc-xin, và các thử nghiệm khác sẽ tiến hành ở một số nước nữa, trong đó có Đức.

Tổ chức WHO cho biết, nếu vắc-xin thử nghiệm an toàn, một số liều sẽ dùng cho các nhân viên y tế vào tháng 11 tới và được sử dụng rộng rãi vào đầu năm sau.

“Trước khi đưa vào sử dụng rộng rãi đối với người dân tại các nước bị ảnh hưởng, chúng tôi cần xác minh những loại thuốc này là an toàn đối với vài trăm tình nguyện viên”, cho dù nó có hiệu quả, bà Kieny cho biết.

Nếu các cuộc thử nghiệm trên cho thấy sự an toàn thì hàng nghìn liều vắc xin của cả hai công ty có thể được dùng vào tháng giêng sang năm.

Chính phủ Canada tuyên bố sẽ tặng 800-1.000 liều vắc xin NewLink cho WHO. Bà Kieny thông tin, sẽ có thêm vài nghìn liều trong những tháng tới.

Một y tá đang lấy mẫu máu của tình nguyện viên tham gia thử nghiệm vắc-xin Ebola ở trung tâm nghiên cứu vắc-xin tại Đại học Oxford thuộc Trung tâm nghiên cứu vắc-xin học lâm sàng và y học nhiệt đới (CCVTM). (Ảnh: AFP/Steve Parsons)

Khoảng 10.000 liều vắc xin GSK có thể được sẵn sàng vào đầu năm 2015, bà Kieny nói.

Thành công trên khỉ chứ không phải trên người 

Hai loại vắc-xin “đã thử cho kết quả rất hứa hẹn trên khỉ, chứ không phải con người”, bà Kieny nhấn mạnh, những người đã tiến hành thử nghiệm ban đầu “không nên tự coi mình là người tự bảo vệ chống lại Ebola”.

Các nhân viên y tế đang đưa một người bị nhiễm Ebola lên xe cứu thương. (Ảnh: AP/Tanya Bindra)

WHO cũng đang cố gắng đẩy nhanh 6 liều thuốc điều trị virus chết người Ebola, bao gồm cả việc điều trị bằng thuốc ZMapp.

Sau khi thử nghiệm với kết quả đầy hứa hẹn đối với một số nhân viên y tế bị nhiễm Ebola, nguồn thuốc điều trị hiện đang cạn kiệt.

Bà Kieny cho biết sẽ có “vài trăm liều” vào cuối năm nay, tuy nhiên “điều này không có tác động lớn làm thay đổi tình hình dịch bệnh”.

Nhưng nó sẽ giúp các phương pháp điều trị khác có thể được WHO thông qua dễ dàng hơn, như sử dụng huyết thanh của những người đã sống sót sau khi mắc Ebola.

Phương pháp sử dụng huyết thanh này dựa trên sức đề kháng của cơ thể người bệnh. Thử nghiệm này đã tiến hành đối với một số trường hợp, trong đó có một bác sĩ người Mỹ đã xuất viện ở Nebraska vào hôm Thứ Năm (25/7), sau khi ông nhiễm Ebola ở Liberia.

Đối với các phương pháp điều trị bằng thuốc và huyết thanh trên người, còn quá sớm để kết luận về tính hiệu quả của nó, bởi vì những phương pháp này không có tính hệ thống và thường phải kết hợp với các phương pháp điều trị khác, bà Kieny cho biết.

Các bệnh nhân được tiến hành điều trị ở nhiều  giai đoạn nhiễm virus Ebola là khác nhau, với tình trạng sức khỏe ban đầu cũng khác nhau, đó là lý do vì sao thuốc ZMapp chỉ có tác dụng đối với một số người, trong khi những người khác thì tử vong, bà Kieny giải thích.

Công lý – Theo AFP