Với bề ngoài không khác gì một thân gỗ mục nát, khúc gỗ 600 năm tuổi đã bị bỏ mặc suốt 5 năm trong sân một nhà máy ở tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, cho đến tháng 10 vừa qua.
Một khúc gỗ 600 năm tuổi từng được sử dụng cho gia đình hoàng gia Trung Quốc vừa được tìm thấy ở một nhà máy sản xuất đồ nội thất, tờ South China Morning Post đưa tin.
Nó được xác định là gỗ cây trinh nam (tiếng anh là cây Phoebe zhennan), đã nằm trong sân chứa đầy cỏ dại của nhà máy suốt 5 năm trước trước khi được phát hiện là gỗ quý.
Ông Lei Jun, chủ nhà máy ở tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, cho biết khúc gỗ được tìm thấy trên sông vào tháng 12/2012 và một ngư dân địa phương nhờ ông mang nó đi. Họ thuê cần cẩu để nhấc thanh gỗ khỏi sông – quá trình kéo dài nhiều tiếng đồng hồ.
“Tôi nghĩ nó chỉ là một khúc gỗ rất bình thường, dài 19m, đường kính lớn hơn thắt lưng một chút nhưng nó rất nặng, tới 5 tấn. Vì trọng lượng của nó nên để mang về nhà máy chúng tôi đã phải mất rất nhiều công sức, thậm chí tôi đã phải thuê người vận chuyển nó với tổng chi phí lúc đó là 90.000 nhân dân tệ (309 triệu đồng)”, ông Lei nói.
Trong 5 năm tiếp theo, Lei không để ý gì đến khúc gỗ, để nó ở sân sau cho đến tháng 10 vừa qua, khi ông đăng ký tham dự sự kiện thẩm định kho báu.
Các chuyên gia được điều đến nhà máy của ông để thẩm định gỗ. Họ tin rằng khúc gỗ quý xuất phát từ tỉnh Tứ Xuyên, có thể đã bị mất khi được vận chuyển từ Tứ Xuyên sang Bắc Kinh để sử dụng trong cung điện của triều Minh.
Cai Jiwu, thành viên của Học viện Cổ vật Văn hóa Trung Quốc, nói rằng gỗ trinh nam rất hiếm ở Trung Quốc và thường được để dành cho hoàng gia.
Kết cấu của loại gỗ này rất lý tưởng cho việc xây dựng. Khi được đánh bóng, nó có màu vàng óng, được sử dụng để xây dựng tường, trần nhà và trụ cột của cung điện.
Các chuyên gia định giá khúc gỗ vào khoảng 20 triệu nhân dân tệ (gần 69 tỷ VND). Nhưng chủ sở hữu nhà máy quyết định tặng thanh gỗ cho bảo tàng dù có nhiều người hỏi mua.
“Tôi đọc tin tức và biết có rất nhiều di tích lịch sử Trung Quốc hiện đang ở nước ngoài. Thật đáng tiếc. Thanh gỗ này thuộc về đất nước chúng tôi và nên trở về nhà của nó ở Bảo tàng Cung điện tại Bắc Kinh”, Lei nói.
Theo 24h