Trong giờ lao động, 300 người nghiện ở Vũng Tàu đã hò hét, gây náo loạn. Những người này sau đó đục thủng các lớp tường rào trong khi người quản lý không được phép trấn áp.
Ngày 9/11, bà Lê Thị Trang Đài, Giám đốc Sở Lao động Thương binh – Xã hội tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (LĐTB-XH), cho biết có 195 học viên trốn khỏi Trung tâm Giáo dục lao động và dạy nghề (xã Tóc Tiên, huyện Tân Thành, Bà Rịa – Vũng Tàu).
Theo bà Trang Đài, Sở đã phối hợp công an Tỉnh, chính quyền địa phương và quân đội tổ chức truy tìm người đào tẩu. Đến trưa cùng ngày, 35 học viên được lực lượng chức năng đưa trở lại trung tâm.
Sở LĐTB-XH cho biết, những người nghiện bỏ trốn thuộc nhóm có quyết định của tòa án. “Họ muốn sống tự do, muốn trở về với gia đình nên tìm cách ra khỏi trung tâm. Hơn nữa, họ biết thông tin người nghiện ở Đồng Nai thoát ra ngoài nên làm theo”, bà Lê Thị Trang Đài nói về nguyên nhân cuộc trốn trại.
Ông Phạm Minh Ân, Giám đốc Trung tâm Giáo dục lao động và dạy nghề, cho biết sáng cùng ngày, khoảng 300 người gây náo loạn trong giờ lao động. Họ đổ ra sân hò hét, quấy phá và dùng gạch, đá ném về phía người quản lý.
Lúc này, một nhóm 4 người lẻn ra phía sau, khiêng tấm bê tông đập thủng tường rào để tạo lối thoát. Số học viên ở sân cũng dồn ra sau, tiếp tục đục nhiều lỗ hổng khác trên tường rồi chui ra.
“Họ náo loạn, manh động nên chúng tôi chỉ vận động, thuyết phục. Người nghiện thấy người quản lý đứng gác ở chòi cao thì ném đá tới tấp và chửi bới, đe dọa”, một bảo vệ nói.
Cũng theo người này, trung tâm được bao bọc bởi 3 lớp tường rào nhưng người nghiện phá rất nhanh. Để vượt rào thép gai vòng ngoài cùng, người đào tẩu leo lên chòi canh sau đó nhảy ra ngoài.
Theo Sở LĐTB-XH, trong cuộc bạo loạn, trốn trại, học viên ném đá làm một người quản lý bị thương.
Trung tâm Giáo dục lao động và dạy nghề có trên 800 học viên nhưng chỉ 40 người làm công tác bảo vệ. Để quản lý người nghiện, chính quyền trang bị cho Trung tâm này một số công cụ hỗ trợ như bình xịt hơi cay, mũ cứng, gậy cao su.
Một bảo vệ nói rằng họ không được phép trấn áp hay sử dụng các biện pháp cứng rắn hơn đối với người nghiện. Khi cuộc bạo loạn xảy ra, họ phải vận động, thuyết phục và ngăn chặn trong chừng mực.
“Những người tràn ra ngoài và hành động theo hiệu ứng đám đông, rất nguy hiểm. Họ dùng vật cứng đập phá, ném đá nên rủi ro với người làm nhiệm vụ rất cao”, một bảo vệ nói.
Theo bà Lê Thị Trang Đài, người nghiện tại trung tâm thuộc nhóm phi hình sự nên không thể dùng biện pháp trấn áp. Ở đợt trốn trại hồi tháng 4, những người bị bắt lại không bị kỷ luật nên họ không sợ người quản lý. Bà cho biết trung tâm tạo điều kiện, làm nhiều việc giúp đỡ học viên nhưng ma lực của ma túy quá lớn nên họ trốn trại.
Về phương án xử lý vụ việc, bà Đài cho biết Sở tăng cường nhân sự để bảo vệ, ổn định tình hình ở trung tâm. Công an, Quân đội cũng được điều động đến giữ gìn an ninh trật tự vòng ngoài.
“Đối với người bỏ trốn, chúng tôi lên danh sách gửi cho Công an tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu để cơ quan này chuyển về địa phương từng người và có biện pháp vận động học viên trở lại. Người quản lý trung tâm đang tăng cường công tác tuyên truyền, ổn định tinh thần học viên còn lại”, bà Đài nói.
Tổng hợp