Alaska (Mỹ) là vùng đất khiến người ta ngạc nhiên và thích thú khi sinh sôi toàn các loại rau củ quả khổng lồ. Đến nơi đây, bạn sẽ phải ngạc nhiên khi thấy bắp cải nặng tới 63 kg, dưa lưới 30 kg hay bông cải xanh 15 kg…Vậy điều gì tạo nên sự khác biệt này?
Tuy nhiên, đó chỉ là một vài ví dụ cho các loại rau, củ, quả “quái vật” được sinh ra từ dưới lòng đất Alaska. Rau, củ, quả khổng lồ nhiều năm nay đã trở thành thương hiệu của vùng Alaska.
“Quá nhiều loại với kích thước quá lớn đến nỗi bạn thậm chí không thể tin nổi vào mắt mình”, Giám đốc Hội chợ nông nghiệp Alaska Kathy Liska chia sẻ.
Câu hỏi đặt ra là, tại sao rau, củ, quả ở Alaska lại có khả năng phát triển tới những kích cỡ “khủng” như thế? Câu trả lời khá bất ngờ, đó là… nhờ mặt trời.
Ở Alaska, mùa gieo trồng thường rất ngắn, trung bình chỉ 105 ngày, trong khi mùa sinh trưởng ở California là 300 ngày. Tuy nhiên, trong mùa gieo trồng ở Alaska, đêm thường ngắn trong khi ngày rất dài. Do bang Alaska nằm gần Bắc Cực, nên trong mùa hè và vào cao điểm của mùa gieo trồng ở đây, ánh nắng mặt trời chiếu sáng suốt 19 giờ/ngày.
Do ngày dài đêm ngắn, được hưởng nhiều ánh sáng mặt trời, cây trồng ở Alaska liên tục phát triển và lớn phổng khiến nông dân Alaska dễ dàng trồng được những loại rau, củ, quả khổng lồ bậc nhất thế giới.
Không chỉ chiếm ưu thế về mặt kích thước, rau, củ, quả ở Alaska còn có chất lượng tuyệt hảo. Nhờ ngày dài đêm ngắn, ánh sáng mặt trời chiếu sáng tới 19 tiếng/ngày, quá trình quang hợp của cây trồng cũng tăng lên, giúp các loại trái cây Alaska ngọt hơn những nơi khác. Chẳng hạn, cà rốt Alaska có tới 19 tiếng hấp thụ ánh sáng mặt trời để tạo thành đường và chỉ có khoảng 1/4 thời gian còn lại trong ngày để chuyển đường thành tinh bột.
Tương tự như cà rốt, các loại rau, củ, quả khác như bắp cải, bông cải xanh, súp lơ, củ cải, khoai tây, cà rốt, rau bina, rau diếp… ở Alaska đều phát triển “khủng” như vậy.
Theo Dân Việt