Đối với người dân Ghana, tổ chức đám ma cho người đã khuất là một sự kiện xã hội cực kỳ quan trọng. Để buổi tang lễ bớt đau thương họ thường thuê những âm công đến nhảy múa giúp đưa tiễn người chết được ra đi thanh thản hơn.
Vác quan tài nhảy múa trong nhiều năm trở lại đây trở thành một nghi thức phổ biến trong các đám tang của người dân nhiều nước châu Phi, đặc biệt là Ghana.
Bất chấp màn trình diễn được cho là quái lạ ở lễ tang, người dân Ghana và tin rằng nhảy múa sẽ đem lại niềm vui cho người chết ở thế giới bên kia và giúp họ ra đi một cách nhẹ nhàng và lạc quan thay vì đau buồn và ủ dột.
Chính vì thế họ thường thuê âm công – những người khiêng vác quan tài, trình diễn trong đám ma để làm cho không khí tang lễ nhộn nhịp hơn.
Những người làm nghề này không chỉ nâng áo quan mà còn giúp xoa dịu tinh thần cho những người đến dự với màn trình diễn cực ấn tượng. Các vũ công khiêng quan tài đi trên vai và lưng trong khi liên tục trình diễn những động tác nhảy phức tạp như xoay người, chúi xuống đất và thậm chí còn giả vờ làm rơi quan tài. Đám đông đến dự lễ táng cũng theo đó mà vơi bớt đau buồn hơn.
Sau khi kết thúc công việc những người làm dịch vụ này thường sẽ nhận được một khoản tiền lớn chi phí trả công cho họ.
Tuy nhiên không phải đám ma nào họ cũng thực hiện được suôn sẻ như vậy. Cũng tại một gia đình có người đã khuất, nhóm âm công này được mời đến để thực hiện những động tác nhún nhảy theo điệu nhạc khi vác quan tài trên vai. Tuy nhiên do nhảy “quá sung” nên không giữ được cân bằng khi thực hiện động tác xoay người, nhóm âm công đã đánh rơi chiếc quan tài xuống đất làm thi thể người chết văng ra.
Nhiều tiếng la hét xuất hiện từ phía thân nhân của người đã khuất. Trong khi 4 thanh niên âm công tỏ ra vô cùng thất vọng vì sơ suất của mình.
Sau khi đoạn video về sự cố trên xảy ra được đăng tải trên mạng xã hội. Một người dùng Youtube có tên John McCoy Hassell bình luận: “Người ta có sản xuất tay cầm ở hai bên quan tài, làm ơn hãy sử dụng chúng…”.
Một người khác viết: “Người quá cố muốn yên nghỉ cũng không được. Họ còn định hành hạ cái xác thêm hay sao?”.
Được biết, nghề âm công này ra đời ít nhất từ bảy năm về trước. Benjamin Aidoo – một trưởng nhóm âm công cho biết, anh mở dịch vụ khi nghề này đang hot và hiện đang có khoảng 100 vũ công cả nam lẫn nữ dưới trướng. Anh đang huấn luyện các vũ công nhảy sao cho đúng điệu vào hoàn hảo nhất. Không những thế, anh cũng rất chú trọng vào phục trang để màn trình diễn càng ấn tượng.
Năm 2015, một blogger có biệt danh Follow My Braids là người đã đưa dịch vụ này lên mạng sau khi dự đám tang của mẹ chồng. Đoạn video clip cô đăng lên hiện đã thu hút được 600.000 lượt xem.
Tuy nhiên sau trường hợp hy hữu nói trên, nhiều người cho rằng có lẽ đã tới lúc phải xóa sổ nghi thức này.
Chúc Di (t/h)