Hành vi thiếu trách nhiệm của một số cán bộ trại giam đã có đủ hai yếu tố chính “gây hậu quả nghiêm trọng” và “thiếu trách nhiệm”, cấu thành tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại Điều 285 BLHS.
Giam giữ phạm nhân, đặc biệt đối với tử tội, được qui định nghiêm ngặt, chi tiết bởi Luật thi hành án hình sự và một loạt các văn bản liên quan hướng dẫn. Để xảy ra sự việc nữ tử tù Nguyễn Thị Huệ mang thai một cách khá hy hữu về mặt y học, gây ra không ít hồ nghi trong dư luận đối với sự việc.
Việc Huệ trao đổi nhiều lần với phạm nhân Hưng vì sao quản giáo không hay biết? Ống tiêm Hưng lấy từ đâu ra?…Nhiều nữa những thắc mắc hướng tới nghi ngờ, liệu có cán bộ trại giam tham gia vào sự việc hay không?
Quá trình mang thai (được công bố trên báo chí) của tử tội này gặp phải những thắc mắc khó giải thích như: “Thời gian tinh trùng sống trong môi trường túi ni-lon là bao lâu mà có thể thực hiện được thiên chức thụ thai? Khi bơm tiêm vào nếu còn sống, tinh binh còn đủ độ mạnh để đục thủng vỏ trứng không?”
Dù có tham gia hay không thì hậu quả cũng đã xảy ra, trách nhiệm phải thuộc về các cán bộ trại giam do họ không giám sát, kiểm tra chặt chẽ khi thi hành công vụ, không thực hiện đúng nhiệm vụ được giao. Đây chính là hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự được qui định tại Điều 285 Bộ luật hình sự về “Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Đối với tội danh này, gồm hai vế thì vế đầu “Thiếu trách nhiệm” đã quá rõ, nhưng vế sau “Hậu quả nghiêm trọng” có chính xác không?.
“Hậu quả nghiêm trọng” là một khái niệm rất rộng trong hệ thống pháp luật nước ta. Tuy nhiên chỉ có một số trường hợp có hướng dẫn rõ nhằm phân biệt trong định khung hình phạt (chẳng hạn trường hợp làm chết người trong các tội về giao thông đường bộ). Còn lại nhiều tội danh hiện không có hướng dẫn rõ về hậu quả nghiêm trọng.
Điều này gây nên nhầm lẫn và tranh cãi không thống nhất trong áp dụng luật ở một số trường hợp cụ thể. Cần lưu ý, các hướng dẫn (Thông tư 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP và các nghị quyết) chỉ nhằm áp dụng định khung hình phạt chứ không hề nhằm định tội danh. Chẳng hạn Điều 202 BLHS nếu gây hậu quả nghiêm trọng (làm chết 01 người) thì ở Khoản 1, nhưng nếu gây hậu quả rất nghiêm trọng (làm chết 02 người) thì chuyển sang Khoản 2 có mức tù giam từ ba đến mười năm.
Cho nên trong định tội không căn cứ vào các hướng dẫn nói trên để xác định có tội hay không. Mà chúng ta cần áp dụng theo các nguyên tắc chung của pháp luật.
Tôi cho rằng Điều 285 được áp dụng nguyên tắc “tương tự pháp luật”. Theo đó, áp dụng tương tự Điều 301 BLHS về Tội thiếu trách nhiệm để người bị giam, giữ trốn. Trong đó Điều 301 qui định “Người nào trực tiếp quản lý, canh gác, dẫn giải người bị giam, giữ mà thiếu trách nhiệm để người đó trốn gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm”, đặc biệt khoản 2 qui định khi có yếu tố “để người bị giam, giữ về một tội nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng trốn”.
Thực chất Điều 301 chỉ là một trường hợp khu biệt của Điều 285 đối với hậu quả phạm nhân trốn thoát. Xét theo gốc độ này, để tử tù thoát án tử gây nên tác động rất nghiêm trọng đối với trật tự trị an xã hội, xâm phạm tính nghiêm minh pháp luật và hoạt động đúng đắn của cơ quan nhà nước, làm cho cơ quan nhà nước mất uy tín dẫn đến mất lòng tin của nhân dân vào chế độ.
Trở lại vụ việc, tôi cho rằng, hành vi thiếu trách nhiệm của một số cán bộ trại giam đã có đủ hai yếu tố chính “gây hậu quả nghiêm trọng” và “thiếu trách nhiệm”, cấu thành tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại Điều 285 BLHS. Cơ quan điều tra cần phải nhanh chóng thực thi chức trách khởi tố vụ án hình sự, nhằm đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.
Luật sư Trần Đình Dũng