Tinh Hoa

Vụ tiêu thụ hơn 3 triệu sách giả: Bắt tạm giam ông Trần Hùng, Tổ trưởng 1444 Tổng cục Quản lý thị trường

Lực lượng chức năng đã ra quyết định khởi tố, bắt tạm giam kiểm soát viên chính, nguyên Tổ trưởng Tổ 304 nay là Tổ trưởng Tổ 1444, Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương, ông Trần Hùng cùng nhiều người khác có liên quan đến vụ án sách giáo khoa giả.

Trước khi bị bắt, ông Trần Hùng từng có nhiều phát ngôn nổi tiếng về chống tham nhũng. (Ảnh qua Thanh Niên)

Liên quan đến vụ việc tiêu thụ hơn 3 triệu sách giả, tối ngày 17/8, xác nhận với báo Tuổi Trẻ, chánh văn phòng Bộ Công an, trung tướng Tô Ân Xô cho biết, ông Trần Hùng, kiểm soát viên chính, nguyên Tổ trưởng Tổ 304 nay là Tổ trưởng Tổ 1444, Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương đã bị khởi tố về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Theo đó, cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03) Bộ Công an hiện đang điều tra vụ án “sản xuất, buôn bán hàng giả; lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ và môi giới hối lộ” xảy ra tại Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Phú Hưng Phát, Công ty Cổ phần In và Văn hóa truyền thông Hà Nội, Đội Quản lý thị trường số 17, Cục Quản lý thị trường Thành phố Hà Nội và các đơn vị liên quan.

Cùng liên quan, C03 cũng ra quyết định khởi tố, tạm giam ông Nguyễn Duy Hải về tội “Môi giới hối lộ”.

Trước đó, lực lượng chức năng đã ra quyết định khởi tố bị can, áp dụng các biện pháp ngăn chặn và bắt tạm giam đối với Phạm Ngọc Hải, Thành Thị Đông Phương, nguyên kiểm soát Đội Quản lý thị trường số 17, nay là Đội Quản lý thị trường số 14, thuộc Cục Quản lý thị trường TP Hà Nội; Lê Việt Phương, nguyên Phó đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 17, nay là Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 14 do có liên quan đến vụ án này. 

Đến nay có tất cả 7 bị can bị khởi tố, bắt giữ, trong đó có cả Giám đốc Công ty CP in và văn hóa truyền thông Hà Nội là Cao Thị Minh Thuận và Hoàng Mạnh Chiến, Giám đốc Công ty TNHH thương mại và sản xuất Phú Hưng Phát để điều tra về tội “sản xuất, buôn bán hàng giả”. 

Sau một thời gian dài điều tra và theo dõi, đến ngày 18 – 22/6, C03 phối hợp cùng với Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Nhà xuất bản Giáo dục và Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động đã bắt giữ các đối tượng tham gia in ấn, tiêu thụ sách giả tại các xưởng in, gia công sách trên.

Đường dây này có mặt tại nhiều tỉnh thành: Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh, Nam Định, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, Thái Nguyên, với tất cả 50 địa điểm. Thu giữ nhiều vật chứng liên quan, trong đó có hơn 3,2 triệu quyển sách giáo khoa giả các loại, mạo danh Nhà xuất bản Giáo dục.

Yên Yên (t/h)