Thời gian gần đây, tình trạng ô nhiễm không khí nặng ở Hà Nội và TP.HCM đang gây quan ngại nghiêm trọng trong người dân. Trước diễn biến đó, Vụ Quản lý chất lượng môi trường đã có những lý giải chính thức về hiện trạng này.
Theo ghi nhận vào sáng 30/9, Hà Nội tiếp tục đứng đầu bảng xếp hạng 10 thành phố có chất lượng không khí xấu nhất thế giới của AirVisual (Tổ chức đo chất lượng không khí thế giới), vượt qua cả Bắc Kinh, Trung Quốc. TP.HCM đứng thứ 10 trong bảng xếp hạng này.
Chỉ số chất lượng không khí ở Hà Nội nhiều thời điểm ở mức kém và xấu. Đây là mức nguy hại cho sức khỏe toàn bộ dân cư.
Trao đổi với phóng viên gần đây, ông Lê Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ Quản lý chất lượng môi trường, thuộc Tổng cục Môi trường đã có những lý giải chính thức để làm rõ thêm những vấn đề của hiện trạng này.
Dẫn chứng số liệu từ 13 trạm quan trắc tự động, liên tục trên địa bàn thành phố Hà Nội, ông Nam cho biết: “Trong các ngày từ 15 đến 17/9 và từ ngày 23 đến 29/9 có đến trên 75% giá trị bụi mịn PM2.5 trung bình 24 giờ của các trạm vượt quy chuẩn quốc gia. Đặc biệt, trong các ngày từ 25 đến 29-9, toàn bộ các trạm đều có giá trị bụi mịn PM2.5 trung bình 24 giờ vượt quy chuẩn quốc gia”.
Các khoảng thời gian ghi nhận giá trị bụi mịn PM2.5 tăng và duy trì ở mức cao thường vào thời điểm đêm và sáng sớm. Chỉ số chất lượng không khí (AQI) trong khoảng thời gian này cũng ở mức kém, thậm chí có những giờ lên đến mức xấu.
Điển hình vào ngày 29/9, theo kết quả quan trắc của đại sứ quán Mỹ, chỉ số AQI lớn hơn 200, ở mức xấu, rất nguy hại cho sức khỏe.
Nhận định sơ bộ nguyên nhân gây gia tăng ô nhiễm không khí, ông Nam cho biết do đây là thời điểm giao mùa, thời tiết thay đổi, khối không khí lạnh từ phía Bắc khuếch tán xuống phía Nam tạo nên dãy hội tụ nhiệt đới kết hợp với không khí lạnh gây hiện tượng nghịch nhiệt làm gia tăng nồng độ các chất ô nhiễm trong không khí. Đặc biệt vào sáng sớm là khoảng thời gian gió lặng nên khả năng phát tán các chất ô nhiễm thấp.
“Ngoài thời tiết và các nguồn gây ô nhiễm, có thêm yếu tố nữa liên quan tới nước mưa. Lượng mưa trong tháng 9/2019 tại Hà Nội thấp hơn rất nhiều so với các năm trước. Không có nước mưa làm sạch nên, ô nhiễm tích tụ dần dần và tăng lên”, ông Nam nói thêm.
Một vấn đề gây nhiều tranh cãi hiện nay là các đánh giá về ô nhiễm giữa các cơ quan của nước ta với thế giới như Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam, trang thông tin điện tử Airvisual là rất khác nhau.
Phản hồi vấn đề này, ông Nam cho rằng thông tin chính thức về quan trắc môi trường phải do các mạng lưới quan trắc môi trường của quốc gia và địa phương thực hiện. Ngoài các kênh chính thức này, các kênh thông tin khác chỉ mang tính chất tham khảo.
Bàn về việc các biện pháp hạn chế ô nhiễm không khí hiện nay vẫn chưa được thực hiện hiệu quả, ông Nam cho biết công tác quản lý chất lượng không khí tại Việt Nam đã được quan tâm từ rất sớm. Từ năm 1993 đến nay, các quy định pháp luật và chính sách quản lý chất lượng không khí liên tục được bổ sung và hoàn thiện. Ngày 1/6/2016, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ký, ban hành kế hoạch hành động quốc gia về quản lý chất lượng không khí.
“Hiện nay, kế hoạch quản lý chất lượng không khí đang được triển khai đồng bộ. Đến năm 2020, chúng tôi có bước đánh giá, tổng kết kế hoạch hành động quốc gia này và sẽ tiếp tục thực hiện triển khai trong thời gian sắp tới”, ông Nam nói thêm.
Trước diễn biến ô nhiễm không khí ở nhiều thành phố kéo dài liên tục trong những ngày qua, nhiều chuyên gia đã lên tiếng cảnh báo sự nguy hại của tình trạng này, đồng thời đưa ra khuyến cáo để người dân tự bảo vệ sức khỏe của mình.
Theo đó, những người đã mắc bệnh về hô hấp nên hạn chế ra ngoài trong những thời điểm không khí bị ô nhiễm nặng. Nếu đi ra ngoài nên đeo khẩu trang để tránh khói từ các phương tiện giao thông hoặc bụi từ các công trình xây dựng. Lưu ý, phải chọn lựa khẩu trang có thể lọc được bụi mịn, vì khẩu trang y tế thông thường không thể ngăn được loại bụi này
Thùy Linh (t/h)