Theo tin công bố của chính quyền Trung Quốc thì số người thiệt mạng trong vụ nổ ở Thiên Tân là 112, nhưng người dân địa phương lại nói rằng thực tế con số này là rất lớn, cụ thể là hơn 1.400 người, còn số người mất tích vào khoảng hơn 700 người.
Sau vụ nổ, một người chia sẻ trên mạng xã hội tại Trung Quốc rằng: “Sau khi 9 trung đội và 3 tổ chuyên trách đi vào hiện trường vụ nổ thì một tiếng nổ lớn phát ra. Trong khoảng chu vi 1km từ trung tâm vụ nổ, tất cả đều biến thành đống đổ nát hoang tàn. Chỉ tính riêng sức tàn phá huỷ diệt của nó thì ít nhất cũng làm 180 người chết. Có một quân nhân nói rằng đã khiêng đi 300 thi thể”.
Một người có nick Meng Meng Hee kể lại rằng: “Một người bạn ở Thiên Tân cho biết trong bệnh viện đầy rẫy thi thể nạn nhân và người bị thương. Một người bạn của tôi làm việc trong bệnh viện nói rằng buổi tối hôm qua đã tiếp nhận hơn 300 người, nhưng chỉ cấp cứu được vài người”.
Hiện nay trên mạng internet, người ta đưa lên rất nhiều hình ảnh thi thể bị cháy khét do vụ nổ, trông vô cùng thê thảm.
Khu hải cảng Vạn Khoa chỉ cách công ty Thụy Hải, nơi xảy ra vụ nổ, khoảng 600 mét. Theo quy định tiêu chuẩn, những kho hóa chất nguy hiểm, được xếp loại bậc trung và cực độc, phải cách khu dân cư cũng như đường giao thông ít nhất 1.000 mét.
Thực tế, các tiểu khu xung quanh được xây từ năm 2007, còn công ty Thụy Hải lại được thành lập vào năm 2011, vì thế người ta đã đặt câu hỏi: Tại sao lại cho phép xây kho hóa chất nguy hiểm ở gần khu dân cư buôn bán như thế?
Bà Cung mua một căn nhà ở khu hải cảng Vạn Lý vào năm 2011, cách nơi xảy ra vụ nổ chỉ 300 – 500 mét, và dọn đến ở vào tháng 10/2013, may mắn mọi người trong nhà chỉ bị thương ngoài da, đồ đạc thì bị xê dịch, rơi đổ lộn xộn tứ tung. Bà nói: “Không ai có thể đùa với sinh mạng của mình, chỉ vì tôi không biết là nơi này lại ở gần cái kho nguy hiểm đến thế”.
Theo tờ Los Angeles Times, ít nhất 6.000 người đã bị mất nhà cửa. Nhiều người trong số họ nói với phóng viên tờ Times rằng các quan chức chính phủ không hề cung cấp bất cứ thông tin gì về việc tái định cư, bồi thường hoặc thậm chí là về việc đảm bảo an toàn khi trả lại các vật dụng cho họ.
Một người dân khác cho biết, cô nhìn thấy vụ nổ xảy ra từ căn hộ ở tầng thứ 27 khu dân cư Vanke Harbor City, thành phố Thiên Tân. Ngay lập tức, cô và chồng mình ra khỏi nhà. Cô nói: “Chúng tôi thuê phòng khách sạn để ở. Không ai trong phía chính quyền giúp đỡ chúng tôi cả. Họ nói là có kế hoạch tái định cư cho các nạn nhân, nhưng đơn giản chỉ là đưa họ đến sân chơi dành cho học sinh tại một trường học. Không ai có tiền, hoặc bạn bè, hay gia đình lại muốn ở một nơi như thế”.
Sáng 16/8, những người dân sống tại Qihang Jiayuan, một khu dân cư cao cấp gần nơi xảy ra vụ nổ, đã tập trung biểu tình tại một khách sạn gần Khu Phát triển Kinh tế Thiên Tân. Họ đưa ra một danh sách các yêu cầu chính quyền phải cử một nhóm để thành lập đường dây liên lạc trực tiếp với người dân tại khu dân cư, bồi thường thiệt hại bằng cách mua lại các ngôi nhà của họ, đưa ra kế hoạch tái định cư một cách cụ thể rõ ràng, và một số các biện pháp khác. Họ cũng kêu gọi nhà chức trách tiến hành một cuộc điều tra vì sao các kho hóa chất lại được phép vận hành cách nhà ở và trường học chỉ vài trăm mét.
Tóm lại, không ai biết được làm cách nào mà công ty Thụy Hải được chính quyền thông qua, cho phép tiến hành xây dựng kho bãi một cách thuận lợi. Điều mỉa mai là khẩu hiệu của công ty Thụy Hải lại luôn nhấn mạnh “an toàn là văn hóa của công ty”.
Trước đó, theo trang tin 9news.com.au, truyền thông tại Trung Quốc đưa tin quân đội nước này đã xác nhận rằng nhà kho của công ty Thụy Hải chứa khoảng 700 tấn sodium cyanide và nhiều loại hóa chất độc hại khác.
Bưng bít thông tin
Trang 9news.com.au còn cho biết, người dân tại thành phố Thiên Tân, thân nhân của các nạn nhân và nhiều cư dân mạng chỉ trích chính quyền không minh bạch trong việc công bố các thông tin có liên quan đến vụ nổ.
Chính quyền Trung Quốc đã chặn tất cả các lời bình luận mang tính chỉ trích đối với việc xử lý hậu quả sau vụ nổ. Hơn 360 tài khoản trên các mạng xã hội bị đóng cửa. Ngoài ra, hơn 50 trang web khác cũng bị đóng cửa hoặc đình chỉ hoạt động vì “gây hoảng loạn khi công bố thông tin chưa kiểm chứng, khiến người đọc lan truyền tin đồn vô căn cứ.”
Hôm 14/8, trang ejinsight.com cho biết, sau khi vụ nổ xảy ra hôm thứ Tư (12/8), các hãng tin quốc tế gồm CNN và BBC đều đưa tin ngay lập tức, trong khi đó đài truyền hình tại thành phố Thiên Tân vẫn giữ im lặng trong khoảng 10 tiếng đồng hồ và cho chiếu phim truyền hình Hàn Quốc.
Đến sáng hôm sau (13/8), đài truyền hình này chỉ phát sóng 1 đoạn video dài 1 phút, do một cư dân mạng quay về vụ nổ, và không hề đề cập đến các tin tức cập nhật mới nhất liên quan đến vụ nổ hay số lượng thương vong trong thảm họa này.
Các kênh truyền hình khác cũng không hề đưa tin về vụ việc. Một số kênh chỉ phát sóng các chương trình vui chơi giải trí để thay thế cho tin tức về vụ nổ.
Phóng viên Will Ripley của hãng tin CNN đã bị buộc phải dừng bản tin phát sóng trực tiếp, được thực hiện bên ngoài bệnh viện Thiên Tân, khi một người đàn ông la lớn: “Chúng tôi không cần người nước ngoài đến giúp đưa tin cho người Trung Quốc”.
Công an cũng kiểm tra giấy tờ tùy thân của một phóng viên Đài Loan, tịch thu máy quay và lấy thẻ nhớ trong máy.
Bộ phận tuyên truyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc ra lệnh tất cả mọi người, trừ các phóng viên của phương tiện truyền thông quốc gia, phải rời khỏi hiện trường vụ nổ.
Theo daikynguyenvn