Iran và các cường quốc đã không đạt được thỏa thuận nào trong khi vòng đàm phán đi vào hạn chót hôm Thứ Hai (24/11), bế tắc kéo dài 12 năm qua về việc sản xuất hạt nhân của Tehran chưa được giải quyết sẽ phải kéo dài thêm 7 tháng với hy vọng đạt được một hiệp ước lịch sử.
Iran và 5 thành viên thường trực của Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc cùng Đức (nhóm P5+1) sẽ tìm cách đạt được một thỏa thuận khung trước ngày 1/3 năm sau, và thông qua một thỏa thuận kỹ thuật đầy đủ trước ngày 1/7, giới ngoại giao tiết lộ.
“Chúng tôi đã đi đến kết luận, không thể đạt được một thỏa thuận trước hạn chót là hôm nay, thế nên chúng tôi sẽ gia hạn tới 30/6/2015”, ngoại trưởng Anh là Philip Hammond phát biểu tại Vienna, Áo.
Với cơ hội tốt nhất để khép lại 12 năm bế tắc trong đàm phán về chương trình hạt nhân của Iran, nhóm P5+1 đã nỗ lực chuyển thỏa thuận tạm thời sẽ hết hạn trong ngày 24/11 thành một hiệp ước lâu dài.
Thỏa thuận nhằm giải tỏa những lo ngại rằng Tehran có thể phát triển vũ khí hạt nhân dưới vỏ bọc hoạt động dân sự, điều mà Iran luôn bác bỏ. Đổi lại, nước này sẽ được gỡ bỏ một số lệnh cấm vận khắc nghiệt.
Các nhà ngoại giao của cả hai phía cho biết, dù có tiến bộ, vẫn còn hai vấn đề then chốt chưa thể đạt được sự đồng thuận đó là việc làm giàu uranium và việc nới lỏng cấm vận. Uranium được làm giàu có thể sử dụng cho các mục đích hòa bình như năng lượng hạt nhân. Tuy nhiên khi đạt độ tinh khiết cao, đây cũng là nguyên liệu cần thiết để chế tạo vũ khí hạt nhân.
“Sự thật là chúng tôi đã không thể đạt được một thỏa thuận nào, nhưng chúng tôi vẫn muốn nói rằng đã có những bước tiến quan trọng”, Tổng thống Iran là Hassan Rouhani phát biểu trên truyền hình.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ là John Kerry tuyên bố dè dặt hơn, “đã có những bước tiến thực sự và rất đáng kể”, nhưng ông cũng nói thêm, vẫn còn “những bất đồng trong những quan điểm trọng yếu”.
Cái giá phải trả cho thất bại lần này có thể cao. Các quốc gia thù địch của Iran là Israel và Ả Rập Saudi luôn lo sợ về sự suy yếu của hiệp ước hạt nhân sẽ không thể ngăn chặn khả năng Tehran sử dụng vũ khí nguyên tử. Sự thất bại trong đàm phán đồng nghĩa với việc thúc đẩy Iran trở thành quốc gia bên ngưỡng vũ khí hạt nhân, điều mà Israel không bao giờ chấp nhận.
Theo Dantri, Reuters