Tinh Hoa

Vụ đóng cửa bãi rác Phước Hiệp: Vì sao trống đánh xuôi, kèn thổi ngược?

Phó Chủ tịch UBND Nguyễn Hữu Tín chỉ đạo phải đóng cửa bãi rác. Còn Phó Chủ tịch UBND Lê Mạnh Hà thì… phản đối chỉ đạo trên, đề nghị cho bãi rác tiếp tục hoạt động! Việc quản lý, điều hành tréo ngoe trên, rất hiếm thấy trong bộ máy chính quyền ở các địa phương, vốn dựa trên nguyên tắc lãnh đạo tập thể. Điều này, còn khiến cho việc giải quyết, xử lý bãi rác Phước Hiệp hiện rối như tơ vò.

Khai tử bãi rác vì “nguy cơ gây ô nhiễm”

Bãi chôn lấp số 3 – Khu liên hợp xử lý chất thải Phước Hiệp (huyện Củ Chi, TPHCM), do Cty TNHH MTV Môi trường đô thị làm chủ đầu tư. Bãi rác này có công suất tiếp nhận khoảng 2.000 tấn/ngày. Bãi chôn lấp số 3 có số vốn đầu tư trên 970 tỉ đồng; hiện dự án đã giải ngân thi công trên 400 tỉ đồng… Tưởng hoạt động của bãi chôn lấp trên ở bãi rác Phước Hiệp suôn sẻ, nhưng bất ngờ, ngày 24.2.2014, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Hữu Tín đã chỉ đạo chuyển khối lượng chất thải rắn sinh hoạt xử lý từ khu Phước Hiệp về Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước (thuộc Cty TNHH Xử lý chất thải VN – VWS).

Ngày 17.10.2014, ông Tín ký ban hành tiếp văn bản số 5363/UBND-ĐTMT, gửi Thường trực Thành ủy. Tại văn bản này, viện lý do bãi chôn lấp số 3 có “công nghệ chôn lấp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường”, nên phải có kế hoạch “đóng cửa bãi chôn lấp số 3 và chuyển lượng rác phát sinh (2.000 tấn/ngày – PV) về xử lý tại Khu liên hợp chất thải rắn Đa Phước, huyện Bình Chánh”…

Vi phạm Luật Cạnh tranh?

Không lâu sau ngày ông Nguyễn Hữu Tín ban hành văn bản trên, trong quá trình chỉ đạo cơ quan chức năng điều chỉnh giấy phép đầu tư cho VWS để DN mở rộng công suất tiếp nhận 2.000 tấn

rác/ngày từ bãi rác Phước Hiệp, ông Lê Mạnh Hà – Phó Chủ tịch UBND TPHCM – đã ra văn bản số 299/UBND-ĐT, ngày 21.1.2015, với nội dung hoàn toàn không thuận lợi chút nào cho VWS dễ dàng tiếp nhận khối lượng rác thải trên. Theo văn bản do ông Hà ký ban hành, giấy phép đầu tư đã cấp trước đây cho VWS chỉ quy định: Một bãi chôn lấp từ 2.500 – 3.000 tấn/ngày, một nhà máy chế biến compost 100 tấn/ngày, một nhà máy phân loại tái chế 500 tấn/ngày… VWS không được chôn lấp vượt quá công suất cho phép là 3.000 tấn/ngày.

Hiện toàn TPHCM có 6.700 tấn rác/ngày được thải ra, VWS đang xử lý 3.000 tấn/ngày, chiếm khoảng 45% thị trường – xem như VWS “thống lĩnh thị trường”. Việc VWS đề nghị nâng công suất lên 10.000 tấn/ngày sẽ dẫn đến “độc quyền”, ảnh hưởng đến quyền được cạnh tranh của các DN khác. Trường hợp VWS chính thức được quyền xử lý 2.000 tấn rác/ngày từ bãi rác Phước Hiệp về bãi rác Đa Phước; đồng nghĩa VWS sẽ xử lý 5.000 tấn/ngày trong tổng sổ 6.700 tấn/ngày (khoảng 75%) lượng rác của TPHCM, đây cũng là dấu hiệu vi phạm điều cấm của Luật Cạnh tranh”.

Ngoài ra, văn bản do Phó Chủ tịch Lê Mạnh Hà ký ban hành cũng cho rằng: VWS không xây nhà máy xử lý mà chỉ chôn lấp rác, nhưng Cty này vẫn được thanh toán chi phí xử lý rác cao hơn giá thanh toán cho các DN khác cũng thực hiện chôn lấp. Hiện TPHCM thanh toán cho VWS cao hơn khoảng 3 USD/tấn so với DN khác – nghĩa là phải trả nhiều hơn cho VWS khoảng 3 triệu USD/năm. Việc tăng công suất cho bãi rác Đa Phước của VWS có thể dẫn đến “VWS thực hiện hành vi thống lĩnh thị trường để áp đặt giá, vi phạm điều cấm của Luật Cạnh tranh”, bên cạnh việc TPHCM phải tốn kém thêm khoảng 10 triệu USD/năm cho VWS…

Tiếp theo, ngày 10.2.2015, ông Lê Mạnh Hà tiếp tục ban hành văn bản số 785/UBND-CNN, với nhận xét rất rõ: Theo quy định tại điều 15 – Luật Cạnh tranh, các sản phẩm – dịch vụ công ích do Nhà nước ấn định giá; tuy nhiên, hiện nay TPHCM lại “thỏa thuận” giá xử lý rác với VWS là “không đúng quy định của Luật Cạnh tranh”.

Văn bản này cũng khẳng định “giá xử lý rác cao đem lại lợi nhuận hằng năm của VWS từ 25 – 40%, cao hơn rất nhiều lần so với DN khác hoạt động cùng lĩnh vực (Cty Môi trường đô thị có tỉ suất lợi nhuận trên doanh thu khoảng 3%/năm). Đây là bất hợp lý cần được giải quyết kịp thời nhằm tránh thiệt hại cho ngân sách nhà nước và bảo đảm hoạt động công ích là phục vụ người dân, không phải là lĩnh vực kinh doanh kiếm lợi nhuận cao”.

Trong khi đó, văn bản này cũng khẳng định: Bãi chôn lấp số 3 của khu xử lý rác Phước Hiệp được đầu tư theo công nghệ Hàn Quốc, các hạng mục tương tự như khu Đa Phước, “đã được đánh giá tác động môi trường, không gây ô nhiễm”.

Việc đóng cửa bãi chôn lấp số 3 sẽ gây thiệt hại khoảng 400 tỉ đồng đã đầu tư, 300 CN không có việc làm và nhiều thiệt hại khác chưa tính xuể! Văn bản do ông Lê Mạnh Hà ký đề nghị các cấp lãnh đạo TPHCM “xem xét, chấp thuận tiếp tục cho chôn lấp chất thải hợp vệ sinh tại bãi chôn lấp số 3, giao Cty Môi trường đô thị”… Rõ ràng, trong sự vụ trên có sự trái ngược nhau trong quan điểm và chỉ đạo xử lý bãi chôn lấp số 3 của bãi rác Phước Hiệp giữa 2 vị Phó Chủ tịch UBND TPHCM. Dư luận đang trông chờ để ở các cấp lãnh đạo TPHCM có quyết định cuối cùng giải quyết sự vụ này, không thể vì bất cứ lý do không minh bạch nào đó, dẫn đến thiệt hại cho ngân sách, quyền lợi của các DN và nghiêm trọng hơn là mất niềm tin nơi người dân.

Theo Lao Động