Tham nhũng trong giáo dục ở Việt Nam không phải là chuyện lạ nhưng thực trạng này vẫn chưa được quan tâm đúng mức và thường bị lảng tránh bằng tên gọi ‘một hiện tượng xã hội’.
Những câu chuyện về tham nhũng trong giáo dục thường xuyên được đăng tải trên báo chí Việt Nam, từ việc nhân viên nhà trường gian lận tiền hỗ trợ học sinh nghèo đến việc nâng điểm cho học sinh. Năm 2010, Khảo sát Phong Vũ Biểu Toàn cầu về Tham nhũng của Tổ chức Minh bạch Quốc tế tiến hành tại Việt Nam cho thấy giáo dục được coi là là ngành đứng thứ hai trong số những ngành tham nhũng nhất được khảo sát, với 67% số người được phỏng vấn ở khu vực đô thị cho rằng giáo dục có tham nhũng.
Dưới đây là bài chia sẻ của anh Phạm Ngọc Dương, phóng viên Báo điện tử VTC News về thực trạng tham nhũng hiện nay, bài viết được đang tải trên facebook của anh.
— ***–
Nền giáo dục mục ruỗng
Hà Giang là vùng đất mình gắn bó rất sâu, và khá thấu hiểu. 15 năm trước, đã lang thang khắp các bản làng, điểm trường, ăn ở với các thầy cô, ngược núi đến trường với những đứa trẻ.
Đã từng đoạt giải Nhất cuộc thi Phóng sự quy mô quốc gia với bài viết về hành trình đưa những đứa trẻ ra khỏi rừng rậm của thầy cô. Nhưng rồi, càng đi sâu, càng thấy lộ ra sự tréo ngoe của ngành giáo dục tỉnh này, mà sự thối rữa từ trên xuống, từ dưới lên.
Có đợt, mình đi khảo sát các trường bán trú, thấy lượng học sinh bán trú ăn ở trường có độ 20-30 em, nhưng khai khống lên cả trăm em, để trục lợi tiền trợ cấp của Nhà nước. Ví dụ, trường lập danh sách có 100 em, để mỗi tháng nhà nước chu cấp cho 500k/em, thì thực tế chỉ có 20-30 đứa ăn ở trường. Ấy thế nhưng, mấy lần mình đột xuất vào nhà bếp kiểm tra, chẳng thấy thầy cô với đầu bếp đâu, chỉ thấy bọn trẻ tự nấu ăn. Hai ba chục đứa trẻ chỉ có miếng bí để làm thức ăn. Có trường, lộ thông tin có nhà báo vừa vào, lập tức có đầu bếp đến xào thịt thơm lừng, mặc dù học sinh kể hàng ngày chỉ có mớ rau. Tức là, lãnh đạo không chỉ khai khống rút tiền nhà nước, mà còn ăn bớt tiếp miếng thịt của bọn trẻ. Thật không thể tin nổi khi nhà nước cấp khoảng 20 triệu/tháng tiền ăn cho bọn trẻ, nhưng đầu bếp tiêu hết có hơn triệu, vì toàn cho bọn trẻ ăn cơm rau.
Có câu chuyện thế này, hồi làm báo Công an, cơ quan mình chở tivi màn hình cỡ lớn lên tặng trường, quần áo mới, cặp sách balo. Cẩn thận đến nỗi phát trực tiếp cho mấy trăm học sinh. Ấy thế nhưng, vài hôm sau đã có thông tin tivi về nhà hiệu trưởng, cặp sách bị gom lại bán tá lả ngoài thị trấn.
Sự việc trục lợi ngân sách là vi phạm pháp luật, trục lợi miếng thịt là vi phạm đạo đức nghiêm trọng, nhưng nghĩ mãi, mình quyết định không viết, dù hồ sơ và thông tin đầy đủ. Nghĩ đến cảnh cả chục giáo viên có thể mất việc, khi họ bỏ cả trăm triệu ra chạy suất biên chế, mà mình không đủ can đảm. Với lại vì đại cục chung, không muốn làm mất hình ảnh đẹp về giáo viên miền núi. Mình ra Sở gặp một vị lãnh đạo, giao hồ sơ và cung cấp thông tin đề nghị chấn chỉnh hiện tượng phổ biến khắp tỉnh kia. Đồng chí rất tiếp thu nhưng chắc cũng chả làm gì, vì có lẽ ăn chia cả rồi.
Sự mục ruỗng đó đã tạo nên cơn đại địa chấn như vụ Sầm Đức Xương, khi mà cả thầy và đám quan chức tỉnh mua dâm học sinh trong độ tuổi áo trắng đến trường.
Hôm công bố điểm thi PTTH Quốc gia, thông tin điểm thí sinh Hà Giang cao chót vót, thì chả cần ai đặt nghi vấn hay chứng cứ gì, mình cũng biết thừa sẽ có tiêu cực. Bởi đơn giản, nó là sự mục ruỗng từ trên xuống, từ dưới lên.
Mà thực ra, nền giáo dục cả nước này nó nát rồi chứ chẳng cứ gì Hà Giang.
Theo fb.duongvtc