Vụ án “Chai nước ngọt có ruồi của Tân Hiệp Phát” đã tạm khép lại với kết quả phiên xử sơ thẩm với mức án 7 năm tù giam cho anh Võ Văn Minh. Tuy nhiên, dư luận vẫn chưa bớt “nóng” bởi dư âm của vụ việc. Dưới đây là quan điểm của một vị luật sư về vụ án này.
Khi báo chí thông tin anh Võ Văn Minh ở Tiền Giang bi truy tố về tội cưỡng đoạt tài sản của Công ty Tân Hiệp Phát (vụ chai nước THP có ruồi), một luật sư muốn trợ giúp pháp lý và bào chữa miễn phí cho anh nhưng khi liên hệ thì biết đã có các luật sư đồng nghiệp giúp đỡ.
Hôm 17/12/2015, Tòa án Nhân dân tỉnh Tiền Giang đưa vụ án này xét xử sơ thẩm, tuyên Võ Văn Minh 7 năm tù về tội Cưỡng đoạt tài sản. Mặc dù vẫn còn quyền kháng cáo nhưng hiện tại, với án sơ thẩm, anh Võ Văn Minh đã là tội phạm. Luật sư không đồng ý với phán quyết của Tòa đối với anh Minh. Bởi theo người này, sẽ thật sự nguy hiểm nếu đây trở thành án lệ … Bởi điều này sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa kém chất lượng giăng bẫy người tiêu dùng khi bị khiếu nại về sản phẩm
Quan điểm của vị luật sư về vụ việc này như sau:
Khi một người mua được chai nước Tân Hiệp Phát (THP) có RUỒI thì chai nước ấy hoàn toàn thuộc quyền sở hữu của anh ta… Anh ta có đầy đủ các quyền năng của chủ sở hữu là:
– Quyền chiếm hữu.
– Quyền sử dụng.
– Quyền định đoạt.
* Về quyền chiếm hữu: miễn bàn.
* Về quyền sử dụng:
Anh ta có quyền uống, vứt đi hoặc giữ lại chai nước ấy làm kỷ niệm. Anh ta cũng có thể trưng bày cho moi người cùng chiêm ngưỡng con RUỒI trong chai nước để cảnh báo cho cộng đồng về chất lượng hàng hóa của THP …
* Về quyền định đoạt:
Anh ta có quyền cho tặng, vứt đi hoặc dùng làm chứng cứ khởi kiện THP ra tòa để yêu cầu bồi thường thiệt hại do sản phẩm kém chất lượng hoặc chuyển nhượng chai nước cho người khác muốn mua. Đương nhiên giá cả chuyển nhượng do sự thỏa thuận của đôi bên. Việc muốn bán chai nước có RUỒI với giá 1 tỷ đồng hoàn toàn là quyền của chủ sở hữu, không thể gọi là phạm pháp. Nếu là người hiểu biết pháp luật, anh ta có quyền yêu cầu lập hợp đồng chuyển nhượng (công chứng) đối với tài sản là chai nước có RUỒI – hoặc có quyền yêu cầu thừa phát lại lập vi bằng về việc thỏa thuận chuyển nhượng chai nước có RUỒI. Kể cả kê khai nộp thuế thu nhập cá nhân do thu lợi từ việc chuyển nhượng chai nước này …
Với tất cả những biểu hiện pháp lý nêu trên thì đây hoàn toàn là một quan hệ dân sự được pháp luật công nhận.
Tuy nhiên để hình sự hóa mối quan hệ dân sự này, người ta đã sắp đặt một kịch bản và lập luận theo những căn cứ vô lý sau:
Thứ nhất, về động cơ:
Họ cho rằng trong vụ việc này, do lòng tham, muốn chiếm đoạt tài sản bất chính của người khác, làm giàu mà không phải lao động … Đây chính là quan điểm sai lầm ấu trĩ khi áp dụng pháp luật hình sự. Bởi lẽ pháp luật hình sự là nhằm trừng phạt hành vi phạm tội cụ thể chứ không áp dụng để trừng phạt lòng ham muốn, ước mơ làm giàu của người khác như ước mơ trúng thưởng, ước mơ trúng số độc đắc, thậm chí ước mơ mua được chai nước có RUỒI bên trong của Tân Hiệp Phát để bán lại với giá cao.
Thứ hai, về mục đích thu lợi:
Người ta lập luận và cho rằng việc bán chai nước có ruồi của Tân Hiệp Phát với giá 500 triệu đồng là phạm pháp. Việc suy diễn này hoàn toàn cảm tính và thiếu hiểu biết. Bởi lẽ trên thực tế, có những con tem, đồng tiền cổ, những viên đá nhìn rất bình thường nhưng có những tỳ vết hoặc khuyết tật đặc biệt được bán với giá cả triệu đô la hoặc hơn thế nữa.
Ở đây, giá trị được định danh do sự quý hiếm, sự độc đáo hoặc do chính tỳ vết , sự bất thường của vật ấy. Lỗi của sản phẩm hoặc sai sót về mặt kỹ thuật chính là yếu tố tạo ra sự đặc biệt và giá trị đặc biệt của sản phẩm ấy. Do đó, giá trị của sản phẩm nếu có sự đặc biệt cũng là chuyện bình thường. Quan trọng là nó được thị trường hoặc người cần mua sản phẩm ấy tự nguyện chấp nhận.
Thứ ba, về hành vi đe dọa tống tiền:
Người ta cho rằng đã có hành vi đe dọa, khống chế, tạo áp lực buộc Tân Hiệp Phát phải chuộc chai nước với giá 500 triệu đồng là việc làm quy chụp, thiếu khách quan. Bởi lẽ, từ khi mua được sản phẩm này thì người mua chính là chủ sở hữu của chai nước Tân Hiệp Phát có Ruồi – nên ở đây nếu Công ty Tân Hiệp Phát muốn thu lại được sản phẩm ấy nhằm bất kỳ mục đích gì thì đều phải thỏa thuận mua lại với giá mà chủ sở hữu đưa ra. Hoàn toàn không có việc chủ sở hữu phải có hành vi cưỡng bức, tống tiền hoặc yêu cầu Tân Hiệp Phát phải “chuộc lại sản phẩm”…
….
Thiết nghĩ, một vụ việc dân sự rất rõ ràng nhưng đã bị hình sự hóa rất đáng lo ngại. Rồi mai này, khi không may mua phải những sản phẩm kém chất lượng, có ai còn dám thực hiện những quyền chính đáng của mình nữa không?.
Luật Sư Nguyễn Đức Thịnh – Sài Gòn, ngày 19.12.2015
Nguồn: Facebook