Uỷ ban Tư pháp sau khi xem xét một cách toàn diện các vấn đề liên quan đến vụ án Hồ Duy Hải đã tổ chức họp và “đang báo cáo kết quả nghiên cứu đến các cơ quan có thẩm quyền”.
Trước đó, 14 cử tri quan tâm đến vụ án Hồ Duy Hải, gồm cử tri Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, An Giang, Vĩnh Phúc, Đắk Lắk, Bình Phước, Bình Dương và Long An đã gửi ý kiến trước kỳ họp thứ 9. Các cử tri đề nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Tư pháp giám sát vụ án này, sớm thông tin cho cử tri và nhân dân biết quan điểm chính thức về vụ án.
Trả lời kiến nghị này, Ủy ban Tư pháp cho biết đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, đã kéo dài qua nhiều năm, được cử tri và dư luận quan tâm.
Để xem xét một cách toàn diện các vấn đề liên quan đến vụ án, Ủy ban Tư Pháp đã nhận ủy thác nghiên cứu từ Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ủy ban Tư pháp đã tổ chức họp ủy ban và đang báo cáo kết quả nghiên cứu đến các cơ quan có thẩm quyền. Tuy nhiên, Uỷ ban Tư pháp chưa nêu rõ quan điểm của mình về vụ án.
Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, sau khi Ủy ban Tư pháp báo cáo, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ nghe, có quyết định và “khi nào có kết quả cụ thể, chúng tôi sẽ thông tin với báo chí”.
Trong một diễn biến liên quan, Chánh án Tối cao Nguyễn Hòa Bình mới đây đã gửi báo cáo đến Quốc hội, cho biết “Việc xét xử các vụ án hình sự trong năm qua đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không để xảy ra oan, sai, bỏ lọt tội phạm”.
Từ Thức(t/h)