(NLĐO) – Chị ve chai Huỳnh Thị Ánh Hồng có thể nhận được 5 triệu Yen do những giấy tờ chứng minh mối quan hệ vợ chồng giữa bà Phạm Thị Ngọt và ông Afolayan Caleb không đủ cơ sở pháp lý.
Chiều 29-4, bà Ngọt xác nhận với Báo Người Lao Động giữa bà với ông Afolayan Caleb chỉ có một tờ giấy chứng nhận kết hôn do Nigeria cấp. Còn ở Việt Nam vẫn chưa tiến hành làm. Giấy chứng nhận kết hôn do nước Nigeria cấp giữa bà Ngọt và ông Afolayan Caleb. “Ngày 4-5, chồng tôi sẽ làm giấy ủy quyền đồng thời làm một số thủ tục pháp lý để chính phủ Việt Nam làm giấy kết hôn giữa 2 chúng tôi. Trước kia, do bận việc nên vẫn chưa làm được” – bà Ngọt nói. Một cán bộ tư pháp đang làm việc tại UBND quận 6 cho rằng với giấy tờ như vậy vẫn chưa chứng minh việc bà Ngọt và người đàn ông Nigeria là vợ chồng. Luật sư Nguyễn Anh Minh (Đoàn Luật sư TP HCM) nhận định bà Ngọt thông tin với công an rằng số tài sản là của chồng bà. Tuy nhiên, mối quan hệ vợ chồng vẫn chưa xác nhận. Như vậy, lá đơn nhận tài sản là không được chấp nhận. Chị Hồng theo dõi thông tin về vụ trên Báo Người Lao Động “Bà Ngọt cho rằng ngày 4-5 sẽ làm giấy tờ chứng minh vợ chồng. Giả sử, luật pháp Việt Nam đã công nhận vợ chồng nhưng thời hạn đó đã qua ngày 28-4, tức đã qua 1 năm sau ngày cơ quan chức năng đăng thông báo tìm người chủ thật sự. Như vậy, số tiền bị niêm phong sẽ thuộc về chị Hồng” – luật sư Minh nói. Luật sư phân tích đặt trường hợp trước ngày 28-4, bà Ngọt thúc giục ông Afolayan Caleb làm đơn nhận lại số tiền thì sẽ ổn hơn là chính bà Ngọt – người không thuộc chủ sở hữu tài sản đang tranh cãi. Đưa tiền, yêu cầu chị Hồng trả tiền cho nước Nhật Những ngày này, chị Hồng liên tục nhận được các cuộc điện thoại đề nghị chị đầu tư cùng họ làm giàu. Chị Hồng cho biết cách đây 2 ngày, có một người lạ mặt tìm đến nhà trọ chị gửi bức thư kèm theo một khoản tiền khoản 5 triệu đồng. Người lạ mặt này xưng là nhân viên thuộc một công ty hoạt động “Chiến lược doanh nghiệp” có trụ sở nằm tại Hà Nội. Sau khi nhận phong bì, chị Hồng xin gửi lại toàn bộ số tiền trên cho người lạ mặt, chỉ lấy bức thư để đọc. Trong thư viết: “Chủ nhân thực sự của số tiền, có thể là một người làm ăn ở Nhật, tích góp tiền Nhật và mang về Việt Nam. Song, đó là những đồng Yen do nước Nhật Bản sản xuất ra. Do đó, nếu không tìm được chủ nhân thực sự của số tiền, chúng ta hãy trả lại cho đất nước đã sản xuất ra số tiền này. Điều này sẽ giúp cho người Nhật Bản, đất nước Nhật Bản, hay rộng hơn là thế giới sẽ nhìn nhận đầy đủ hơn về con người Việt Nam, đất nước Việt Nam”. Cuối cùng, người viết bức thư này mong muốn chị Hồng đưa toàn bộ số tiền cho ông. Đồng thời, sẽ hỗ trợ một số vốn để chị Hồng làm ăn, đầu tư cùng ông để làm giàu. Người viết thư giải thích việc trả lại tiền cho nước Nhật nhằm “giữ gìn hình ảnh người Việt trong mắt bạn bè quốc tế”. “Người đưa thư và tiền cho tôi có bộ dạng lấm lét, không dám vào nhà. Tôi sợ bị lừa nên không đụng đến số tiền mà họ tặng. Tôi nhất quyết bám với nghề ve chai, không đầu tư và kinh doanh gì cả vì 2 vợ chồng tôi đều là người ít học” – chị Hồng nói. Bài, ảnh: LÊ PHONG |
Theo Người Lao Động