Ra mắt gần 3 năm trước, Windows 8 là một ván bài thua đậm của Microsoft . Thiết kế táo bạo – hay thiếu tinh tế? – kết hợp với nhiều thay đổi trong trải nghiệm người dùng đã khiến Windows 8 trở thành một nền tảng bị xa lánh. Người dùng cuối ngại nâng cấp, doanh nghiệp cũng hoãn cập nhật và quyết định tiếp tục dùng Windows XP/Windows 7, trong khi Microsoft gặp khó khăn trong việc phát triển hệ sinh thái ứng dụng dành riêng cho nền tảng của mình. Thế rồi Windows 10 xuất hiện, đúng vào lúc khó khăn nhất với Microsoft, và lần này Windows 10 không còn tạo ra những rắc rối nữa. Thay vào đó, nó khắc phục những vấn đề do chính Microsoft tạo ra. Nên xem thêm: Những thứ cần chuẩn bị để update lên Windows 10 Điều đáng nói, đây không phải là lần đầu tiên Microsoft gặp tình huống tương tự. Hồi tháng 7/2009, Windows Vista – cũng là hệ điều hành mới nhất của công ty tại thời điểm đó – chỉ được cài đặt trên 1/5 máy tính, trong khi Windows XP chiếm tỉ trọng hơn 2/3. Nếu tua nhanh đến thời điểm hiện tại thì tình hình cũng chẳng khác mấy: Windows 8 và Windows 8.1 chỉ chiếm vỏn vẹn 18% thị phần, trong khi Windows 7 dừng ở con số khổng lồ 66%. Có nhiều nguyên nhân khiến người dùng hoãn việc nâng cấp lên Windows 8. Ngoài những yếu tố về trải nghiệm bị giảm đi và thao tác kém trên các máy dùng chuột + bàn phím truyền thống, sự suy thoái của ngành PC cũng là một trong những nguyên nhân khiến Microsoft lao đao. Người ta ít có động lực mua máy tính mới, cũng ít có động lực để nâng cấp lên một nền tảng mới trong khi smartphone và tablet đang bùng nổ như vũ bão. Kéo theo đó doanh số Windows 8 cũng ảm đạm theo. Nhưng chung quy lại thì trải nghiệm người dùng vẫn là yếu tố quan trọng khiến Windows 8 không được chào đón với hầu hết mọi người. Thế là với Windows 10, hãng quyết định sẽ phải khắc phục điều đó. Microsoft bắt đầu với sai lầm lớn nhất của mình: màn hình Start. Trong suốt 17 năm trời, trải nghiệm của Windows đều xoay quanh Start Menu . Từ một bảng màu xám đơn giản của Windows 95, Start Menu đã trở thành một thứ đẹp đẽ với hai cột giúp truy xuất nhanh những tính năng thường dùng trong Windows 7. Rồi trong Windows 8, Microsoft loại bỏ hoàn toàn thành phần này để thay vào đó là Start Screen với các ô vuông đủ màu sắc. Đây là kiểu giao diện được thiết kế để dùng với tablet nói riêng và màn hình cảm ứng nói chung, và cũng thể hiện “ý đồ” của Microsoft trong việc định hình thị trường PC di động: dịch chuyển từ laptop sang tablet và các máy tính lai. Nhưng mọi thứ đã không diễn ra đúng như ý muốn. Thị trường PC màn hình cảm ứng chưa nhận được sự ủng hộ tích cực từ phía người dùng, trong khi các máy tính cũ thì toàn sử dụng bàn phím và chuột theo kiểu truyền thống. Với những người không có màn hình cảm ứng, việc sử dụng Windows 8 thật sự rất cực khổ. Start Menu mà họ từng quen thuộc đã không còn nữa, thay vào đó họ buộc phải sử dụng màn hình Start mới theo một cách rất không tự nhiên. Trước thời Windows 95, nếu bạn muốn chạy phần mềm thì bạn vào phần Program Manager, vốn là thứ sẽ khởi động lên cùng với máy tính và chiếm trọn màn hình. Thực chất thì cũng có một khu vực “desktop” dùng để hiển thị các ứng dụng đang chạy, nhưng về cơ bản thì Program Manager mới là mức cơ bản nhất của giao diện Windows – nơi mà bạn sẽ bắt đầu làm việc từ nó (nghe quen không các bạn? Quá giống Start Screen của Windows 8!). Đến khi Windows 95 ra đời, desktop đã thay thế cho Program Manager để trở thành mức cơ bản nói trên. Người ta bắt đầu có thói quen đưa các shortcut của ứng dụng thường dùng ra desktop, các tập tin thường truy cập hay đang làm việc cũng được mang ra đây. Kể từ đó về sau, đến tận Windows 7, mọi thứ vẫn lấy desktop làm trung tâm. Thế mà Windows 8 đã đảo ngược mọi thứ, mang Windows trở về thời của 20 năm về trước. Nhưng nếu chỉ tập trung vào “Program Manager thời hiện đại” – chính là Start Screen – thì mọi thứ cũng không quá tồi tệ. Nhưng đằng này, Microsoft vẫn còn duy trì môi trường desktop truyền thống (nhưng không có Start Menu), và chính điều đó đã làm người dùng bị rối. Tôi nên sử dụng cái nào? Start Screen hay desktop? Nếu dùng Start mà không có màn hình cảm ứng thì quá khó chịu, còn nếu dùng desktop thì Start Menu quen thuộc của tôi đã biến mất rồi, đằng nào tôi cũng phải quay lại Start Screen sao? Vòng lặp khó chịu này cứ mãi diễn ra, hết ngày này đến ngày khác. Đó chưa là tất cả. Giới lập trình viên dường như không mấy mặn mà với kiểu ứng dụng Modern mới, vốn là thứ sẽ và chỉ có thể được khởi chạy từ Start Screen. Tất cả những ứng dụng nổi tiếng đều chưa có bản Modern, nếu có cũng chỉ là một bản thu gọn đơn giản mà thôi. Thế là, với hầu hết người dùng, thứ họ gắn ra Start Screen chỉ là các shortcut để mở app desktop truyền thống mà thôi. Microsoft thấy rõ tất cả những nhược điểm chết người nói trên, và hãng quyết định phải tìm ra cách giải quyết càng sớm càng tốt. Vậy là Windows 8.1 ra đời để bổ sung những tính năng làm hài lòng người dùng chuột và bàn phím. Nút Start đã quay trở lại, nhưng vẫn chưa có Start Menu. Nút Shutdown cũng đã xuất hiện để dễ thấy hơn thay vì ẩn trong thanh Charm bar. Với một số thiết bị, việc khởi động thẳng vào desktop trở thành thiết lập mặc định. Đây chính là bước đi đầu tiên mà Microsoft gián tiếp thừa nhận sự thất bại của Start Screen trong Windows 8. Đến Windows 10, mọi thứ càng thay đổi theo hướng tích cực hơn. Start Menu đã quay trở lại, lần này có thêm sự kết hợp của các ô Tile một cách rất tự nhiên. Nó không gây ra chút khó khăn nào cho người dùng chuột và bàn phím, ngược lại còn khiến họ cảm thấy thích thú vì có thể chạy hoặc xem nhiều nội dung hơn bao giờ hết, tất cả đều có ngay từ Start Menu. Nút Shutdown quen thuộc cũng được bố trí nơi đây, và giao diện All Apps đã được thu gọn trở thành một danh sách liệt kê tên các phần mềm đã cài đặt y hệt như hồi Windows 7 về trước. Động thái này cũng rất hợp lý, không chỉ với người dùng mới mà còn cho những ai update từ Windows cũ lên Windows 10. Quay trở lại với các ứng dụng Modern nghèo nàn của Windows 8, giờ mọi thứ đã khác. Khái niệm ứng dụng Modern sẽ không còn nữa, thay vào đó là “universal app”. Loại ứng dụng mới này kết hợp những gì tốt nhất của ứng dụng desktop với những lợi điểm của app modern, khiến ứng dụng không chỉ phù hợp với máy tính truyền thống mà còn với cả tablet hiện đại. Các universal app cũng không còn chạy trong một môi trường riêng, thay vào đó chúng tồn tại song song với các phần mềm cũ ngay trong giao diện desktop truyền thống quen thuộc. Điều này cũng có nghĩa là bạn có thể thoải mái thay đổi kích thước, minimize cửa sổ theo cách đã tồn tại từ hơn 20 năm nay. Và cũng đừng quên, dấu x để đóng app quen thuộc cũng đã trở lại. Hiện chưa có nhiều universal app để chúng ta đánh giá, nhưng ít nhất Microsoft cũng đã làm ra những universal app chất lượng cho Windows 10. Ứng dụng nghe nhạc mới trông rất đẹp và dễ dùng, tất cả những tính năng giống Windows Media Player vẫn còn đó nhưng được đặt trong một ngôn ngữ thiết kế hiện đại hơn, tươi mới hơn. Ứng dụng Outlook Mail và Outlook Calendar mới thì trên cả tuyệt vời, trong khi phần mềm Photos thì mang lại trải nghiệm xem ảnh tốt hơn nhiều so với Windows 8 do thao tác dễ dàng hơn. Nếu bạn nào đang xài màn hình cảm ứng thì cũng đừng lo lắng khi nãy giờ mình chỉ đề cập đến desktop truyền thống. Theo hướng dẫn của Microsoft thì những ứng dụng universal phải được thiết kế tương thích với màn hình cảm ứng, nên dù bạn có dùng chuột hay dùng ngón tay thì độ tiện lợi vẫn tương tự như nhau. Nếu bạn đang xài máy tính lai thì Windows 10 càng tốt hơn cho bạn: nếu gắn dock bàn phím hay lật tablet lại theo kiểu laptop, giao diện desktop sẽ hiện ra. Còn nếu bạn tháo dock hay chuyển sang dùng như máy tính bảng, giao diện tablet sẽ tự động kích hoạt khiến mọi thứ trở nên dễ nhấn hơn, dễ chạm hơn. Sự tồn tại song song của Control Panel lẫn giao diện Settings mới cũng đã được khắc phục. Trong Windows 8, hai giao diện tùy chỉnh hệ thống này có nhiều chỗ trùng với nhau nên khiến người dùng rối, không biết nên chỉnh chỗ nào. Nhưng Control Panel lại có nhiều thứ để chỉnh hơn, thế là phải dùng cả hai cái cùng lúc. Còn với Windows 10, bạn có thể quên đi Control Panel và chỉ cần ứng dụng giao diện Settings mới mà thôi. Tóm lại, với Windows 10, Microsoft muốn khắc phục những sai lầm do chính mình tạo ra, và có vẻ như là mọi thứ đang đi đúng hướng. Từ trước đến nay lịch sử đã cho thấy rằng những thay đổi quá lớn và bất ngờ về giao diện người dùng sẽ không nhận được sự ủng hộ của người dùng, và Microsoft đã học thêm được một bài học đắt giá với Windows 8 để rồi cho ra thứ mà ngày mai chúng ta sẽ được cập nhật. |
Theo Tinh Tế