Một cuộc điều tra độc lập kéo dài 10 năm tuyên bố, Chính quyền Cộng sản Trung Quốc đã tăng số lượng nội tạng lấy từ các tù nhân lương tâm, bao gồm các học viên Pháp Luân Công.
Kể từ khi nạn thu hoạch tạng bắt đầu thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế vào năm 2006. Một báo cáo cập nhật sâu về cuộc điều tra này, mới được công bố gần đây đã khiến thế giới chú ý rất nhiều.
Ngày 23/6, Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) đưa tin về luật sư nhân quyền Canada, ông David Matas và cựu Quốc vụ khanh Canada phụ trách khu vực Châu Á Thái Bình Dương, ông David Kilgour, đã bắt đầu điều tra độc lập vào năm 2006.
Báo cáo đầu tiên của 2 ông công bố vào năm 2009 đã tiết lộ nạn thu hoạch tạng từ các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc, nơi hàng triệu học viên bị giam giữ hay cầm tù chỉ vì tu luyện Pháp Luân Công.
Ông Matas cho biết họ tiến hành nghiên cứu trên diện rộng qua các báo cáo trên các phương tiện truyền thông, tạp chí y khoa, các trang web của bệnh viện, và trang web lưu trữ. Trung Quốc có hơn 900 bệnh viện thực hiện cấy ghép tạng, họ đã đưa ra kết luận rằng Trung Quốc đã tiến hành ít nhất 60.000 ca ghép tạng mỗi năm.
Nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế Trung Quốc, ông Hoàng Khiết Phu, từng nói phần lớn nội tạng là lấy từ các tử tù. Tuy nhiên, Trung Quốc chỉ có vài nghìn tử tù mỗi năm, điều này đặt ra câu hỏi số ca cấy ghép tạng còn lại lấy nguồn từ đâu?
Báo cáo kết luận rằng nguồn nội tạng chủ yếu là từ các tù nhân lương tâm, một phần căn cứ vào các trường hợp mất tích và hiện trạng cưỡng bức kiểm tra sức khỏe của các học viên Pháp Luân Công tại các trại giam.
Ông Kilgour nói điều đáng buồn là việc giết các học viên Pháp Luân Công, người Duy Ngô Nhĩ, người Tây Tạng và tín đồ Cơ Đốc trên quy mô lớn vẫn đang tiếp diễn tại Trung Quốc. Ông hối thúc các nước khác trên thế giới phản ứng và gây sức ép nhiều hơn đối với Trung Quốc nhằm buộc chế độ độc tài này chấm dứt nạn thu hoạch tạng.
Bộ phim tài liệu tiết lộ các kết quả điều tra
Bộ phim “Thu hoạch Nhân thể: Trung Quốc buôn bán nội tạng trái phép” do ông Leon Lee, người Canada gốc Hoa đạo diễn, đã giành được giải Peabody vào năm 2015.
Bộ phim tài liệu dựa trên cuộc phỏng vấn của 2 ông Matas và Kilgour với các bệnh nhân từng được ghép tạng tại Trung Quốc và người nhà của họ, từ đó hai ông đã phát hiện ra nhiều manh mối về nạn thu hoạch tạng.
Ông Lee nói rằng ở các nước bên ngoài Trung Quốc, bệnh nhân thường phải đợi từ 2 đến 3 năm mới tìm được thận hoặc gan phù hợp. Tuy nhiên, những bệnh nhân mà ông David Matas và ông David Kilgour đến tìm hiểu, chỉ phải chờ từ 2 tuần đến một tháng. Hàng nghìn bệnh nhân có thể tìm được nội tạng có mô phù hợp chỉ sau một thời gian ngắn chờ đợi tại Trung Quốc.
Ông Lee đặt câu hỏi: “Trước năm 2010 chưa có một hệ thống hiến tạng nào. Vậy nguồn tạng này lấy từ đâu?”.
Các nhà điều tra của ông Lee đã gọi điện đến hơn 100 bệnh viện ở Trung Quốc và ghi lại các cuộc điện đàm. Họ đóng giả làm bệnh nhân cần tìm tạng. Họ phát hiện ra khoảng 15% các bác sỹ thừa nhận rằng nguồn tạng chủ yếu là lấy từ các học viên Pháp Luân Công bị cầm tù. Họ kết luận nạn thu hoạch tạng nhiều khả năng là do chính phủ chỉ đạo, hoặc ít nhất là được chính phủ cho phép.
Họ cũng nhận thấy sự gia tăng nhanh chóng về số ca cấy ghép tạng tiến hành từ sau năm 2000 và tin rằng hoạt động này có sự kiểm soát của chính phủ trên toàn quốc, chứ không chỉ là do một số bác sỹ và cán bộ trong hệ thống tư pháp tiến hành.
Thậm chí đến năm 2014, khi các bác sỹ Trung Quốc gần như đã biết đến các cuộc điều tra quốc tế về nạn thu hoạch tạng, họ vẫn ghi âm được một số cuộc điện đàm xác nhận nguồn tạng là từ các học viên Pháp Luân Công bị giam giữ.
Trước khi trốn tới Hoa Kỳ, cô Trần Hoa đã bị tống vào trại lao động cưỡng bức 2 lần. Cô nhớ lại các học viên Pháp Luân Công hồi đó không những bị tra tấn trong các trại lao động cưỡng bức mà còn được “chăm sóc y tế đặc biệt” và xét nghiệm máu thường xuyên. Các cuộc kiểm tra máu chỉ giới hạn đối với học viên Pháp Luân Công.
Ngày 26/5/2016, học viên Mã Xuân Mai làm chứng tại phiên điều trần của Quốc hội Hoa Kỳ. Bà đã bị giam 2 lần tại Trại Lao động Cưỡng bức Nữ Hắc Chủy Tử tỉnh Cát Lâm trước khi bà tới Hoa Kỳ vào năm 2004.
Năm 2002, bà chuyển đến Bệnh viện Tỉnh Cát Lâm, ở đó bà bị lấy mẫu tủy, mặc dù tại thời điểm đó, bà không đau ốm gì.
Khi bà được trả tự do, một học viên Pháp Luân Công khác, cũng là bác sỹ, đã giải thích với bà là việc lấy mẫu tủy là để tìm thận phù hợp cho việc cấy ghép.
Ông Trương Nhi Bình, người phát ngôn của Pháp Luân Công, cho biết Chính phủ Trung Quốc dùng các học viên Pháp Luân Công làm nguồn tạng là có lý do.
“Khi một phóng viên của một hãng truyền thông phương Tây đóng giả là một bệnh nhân để hỏi về nguồn tạng, một số bệnh viện nói với anh ấy rằng người hiến tạng là học viên Pháp Luân Công, bởi vì các học viên là người tu luyện và có sức khỏe tốt nên chất lượng tạng là bảo đảm”, ông Trương nói.
Ông Enver Tohti, một bác sỹ phẫu thuật người Duy Ngô Nhĩ, trốn thoát tới London vào năm 1998. Trước đây, vào tháng 12/2013, ông đã từng làm chứng trước Nghị viện Châu Âu rằng ông bị ra lệnh mổ lấy tạng từ một tù nhân đang hấp hối.
Năm 1995, bác sỹ trưởng khoa phẫu thuật yêu cầu ông mổ lấy gan và hai quả thận từ một tù nhân bị tử hình ở Tân Cương.
Hạ viện Hoa Kỳ đã nhất trí thông qua Nghị quyết H.Res. 343 vào ngày 13/6 nhằm lên án hệ thống cưỡng bức thu hoạch nội tạng từ các tù nhân lương tâm ở Trung Quốc do nhà nước hậu thuẫn. Trong đó, một số lượng lớn là học viên Pháp Luân Công và thành viên của nhóm tôn giáo khác và dân tộc thiểu số.
Theo VOA, Minhhue