Ngày 9/11, Donald Trump chính thức trở thành tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ, theo đó sẽ có vô vàn thách thức đang chờ đợi ông đặc biệt là những vấn đề đối ngoại và chính trị phức tạp.
Trong những bài phát biểu, phỏng vấn của mình, ông Trump tuyên bố sẽ định hướng lại những chính sách của nước Mỹ theo cách đặc biệt. Điều này đặt ra những nghi vấn đề sự thay đổi trong mối quan hệ giữa Mỹ với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và các đồng minh truyền thống, tương lai của các thỏa thuận thương mại và quan hệ thân thiết với Nga… nếu ông Trump đắc cử Tổng thống.
Hồi đầu năm nay, tỷ phú New York tuyên bố ông có thể xem xét công nhận chủ quyền của Moscow đối với bán đảo Crimea, vốn là nguyên nhân gây chia rẽ sâu sắc giữa Nga và phương Tây. Trước đó, chính quyền Barack Obama từng khẳng định nước Mỹ sẽ không bao giờ công nhận điều này.
Cũng theo ông Donald Trump, Mỹ phải dần dần hạn chế vai trò của mình. Ông cho rằng các đồng minh như Hàn Quốc, Nhật Bản và Arập Xê-út cần bắt đầu học cách “tự đứng trên đôi chân của mình” và dừng việc dựa dẫm vào sự bao bọc của Mỹ.
Các nhà lãnh đạo thế giới từ lâu đã lo ngại về những hậu quả có thể xảy ra nếu ông Trump trở thành Tổng thống Mỹ, đặc biệt là liên quan đến vấn đề nhập cư và mối quan hệ với các nước đồng minh của Mỹ. Tổng thống Pháp François Hollande từng nói việc bỏ phiếu cho ông Trump là một “hành động gây nguy hiểm”. Trong khi đó Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier gọi tỷ phú New York cho rằng những quan điểm chính trị của ông Trump là nguy hiểm đối với thế giới.
Ngay trước thềm cuộc bầu cử, ông Hollande đã lên tiếng kêu gọi người dân Mỹ bỏ phiếu cho cựu Ngoại trưởng Clinton. Ông bày tỏ tin tưởng nước Mỹ sẽ bỏ phiếu cho người phản ánh tốt nhất những giá trị, những nguyên tắc, người hành động vì tự do và vì mối quan hệ giữa Pháp và châu Âu.
Về phần mình, ông Barack Obama cũng nhiều lần cho biết các nhà lãnh đạo thế giới không ngần ngại bày tỏ lo lắng nếu ông Trump trở thành Tổng thống Mỹ.
Ngược lại, ông trùm bất động sản người Mỹ lại nhận được sự ủng hộ từ phía Tổng thống Nga Vladimir Putin và một số chính trị gia Nga cũng như các quan chức Hàn Quốc.
Ông Trump nhiều lần bác bỏ những cáo buộc của cơ quan tình báo Mỹ cho rằng Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ bằng cách đột nhập vào email của bà Clinton và Ủy ban của đảng Dân chủ.
Có ý kiến cho rằng việc ông Trump đắc cử trong cuộc bầu cử năm nay thậm chí còn gây ảnh hưởng lớn hơn việc nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu, hay còn gọi là Brexit.
Trong chuyến đi tới Mexico, ông Trump đã khiến nhiều quan chức nước này nổi giận khi nêu lại vấn đề xây dựng một bức tường ngăn cách ở biên giới để kiểm soát dòng người nhập cư.
Bên cạnh đó, ứng cử viên Cộng hòa Donald Trump cũng cam kết sẽ thay đổi những chính sách đối phó với tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Ông tiết lộ sẽ tăng cường hoạt động của quân đội để đối phó với tổ chức khủng bố này. Ông Trump cho rằng Mỹ nên phối hợp với các lực lượng của Nga trong cuộc chiến chống IS.
Về vấn đề Triều Tiên, chính quyền Obama coi đây là một thách thức lớn. Nhiều người tin rằng chính phủ kế nhiệm cần đưa ra một đánh giá toàn diện về vấn đề Triều Tiên để đưa ra những cách đối phó phù hợp, thậm chí là giải pháp quân sự.
Ông Trump chưa đưa ra quan điểm về chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng, song cho rằng sự hiện của Mỹ trên bán đảo Triều Tiên chưa thực sự phát huy hiệu quả trong việc giải quyết tình hình bất ổn tại đây.
Về quan hệ với Trung Quốc, ông Trump tỏ ra không mấy “hứng thú” khi có những tuyên bố chỉ trích Bắc Kinh, đặc biệt là liên quan đến vấn đề thương mại.
Ứng cử viên của đảng Cộng hòa cũng tuyên bố sẽ tác động vào thỏa thuận hạt nhân lịch sử với Iran. Bất ổn chắc chắn sẽ xảy ra nếu nước Mỹ không làm đúng những điều khoản đã cam kết trong thỏa thuận.
Các chuyên gia cho rằng tổng thống mới của nước Mỹ sẽ phải đối mặt với rất nhiều vấn đề nan giải, trong bối cảnh xứ sở cờ hoa không còn giữ được vị thế và vai trò vượt trội trên trường quốc tế.
Theo Dân trí