Sau nhiều năm bị giam giữ tại nhà, bà Lưu Hà, vợ góa của Lưu Hiểu Ba nhà hoạt động Trung Quốc đạt giải Nobel Hòa bình, đã rời Trung Quốc để đến Đức, theo lời anh trai bà Lưu.
Bà Lưu Hà, 57 tuổi, đã khởi hành chuyến bay từ Bắc Kinh đến Berlin, Đức vào lúc 11h sáng nay (10/7), BBC Trung Quốc đưa tin.
Người bạn của bà Lưu – nhà bất đồng chính kiến và tác giả người Trung Quốc Liệu Diệc Vũ – nói với Apple Daily rằng các nhà báo liên hệ với ông cho biết vấn đề nhân quyền đã được nêu ra trong suốt các cuộc đàm phán giữa Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường và Thủ tướng Đức Angela Merkel ở Berlin hôm thứ Hai (9/7) vừa qua, và trường hợp của bà Lưu dường như cũng được đề cập đến. Ông Liệu hiện đang sống lưu vong tại Đức.
Lưu Hiểu Ba là một nhà thơ và nhà hoạt động nhân quyền người Trung Quốc được trao giải Nobel Hòa bình vào năm 2010. Trước đó 1 năm, ông bị kết án 11 năm tù vì tội danh “nghi ngờ kích động lật đổ quyền lực nhà nước” sau khi viết Hiến chương 08 – một tuyên ngôn nhằm thúc đẩy cải cách dân chủ.
Vào ngày 26/6/2017, ông được cấp cứu sau khi được chẩn đoán mắc bệnh ung thư gan giai đoạn cuối và qua đời vào ngày 13/7/2017 tại bệnh viện. Điều này đã khiến ông trở thành người đạt giải Nobel đầu tiên chết trong khi bị giam cầm kể từ sau khi nhà hoạt động vì hòa bình người Đức Carl Von Ossietzky qua đời tại Đức dưới thời Đức Quốc xã, hồi năm 1938.
Theo trang Ming Pao, anh của bà Lưu Hà là Lưu Huy (Liu Hui) – người vẫn còn ở Bắc Kinh – đã xác nhận tin tức về chuyến đi của chị gái trên WeChat vào chiều thứ Ba (10/7): “Chiều nay, em gái tôi đã rời Bắc Kinh và bay đến châu Âu để bắt đầu cuộc sống mới. Tôi rất biết ơn những người đã quan tâm và giúp đỡ cô ấy trong những năm qua”.
“Tôi cũng hy vọng cha mẹ chúng tôi và em vợ tôi có thể thôi lo lắng và tiếp tục phù hộ cho cô. Hy vọng phần đời còn lại của cô ấy sẽ được bình yên và hạnh phúc. Cảm ơn tất cả mọi người”.
Patrick Poon, nhà nghiên cứu thuộc Tổ chức Ân xá Quốc tế, nói với HKFP: “Thật là một tin tốt lành khi biết bà Lưu Hà cuối cùng cũng có thể rời khỏi Trung Quốc. Bà ấy đã bị trầm cảm. Thật tốt khi giờ đây bà ấy có thể được điều trị y tế tại Đức. Nhưng anh trai bà vẫn còn ở Trung Quốc. Có lẽ bà Lưu sẽ không muốn nói nhiều vì bà lo lắng cho sự an toàn của anh trai”.
Cựu chính trị gia người Hong Kong Albert Ho cũng nói với HKFP rằng, ông cảm thấy nhẹ nhõm khi nghe tin này mặc dù không thể xác nhận điều đó. “Thật khó cho bà Lưu khi phải tiếp tục sống trong trạng thái tinh thần như vậy. Nếu bà ấy không được rời Trung Quốc và đến một nơi tự do để hít thở không khí trong lành, tôi không nghĩ bà ấy có thể sống tiếp”, ông nói.
Ông cũng cho biết ông tin rằng Lưu Huy là một “con tin”. “[Họ] đã để ông ấy ở lại để đảm bảo bà Lưu sẽ không nói bất cứ điều gì bất lợi cho họ. Tôi chắc chắn bà đã phải hứa rất nhiều điều trước khi họ để bà ấy ra đi”.
“Họ biết … hai anh em bà Lưu có một mối quan hệ sâu sắc – suốt thời gian qua anh trai bà ấy đã trở thành chỗ dựa tinh thần rất lớn cho bà”.
Lưu Hiểu Ba mất, vợ ông bị trầm cảm sau nhiều năm bị quản thúc tại nhà.
Đã có những quan ngại ngày càng tăng về tình trạng của bà Lưu Hà sau cái chết của chồng bà.
Tin tức nói bà bị trầm cảm sau khi phải ở trong nhà nhiều năm, bị giám sát nghiêm ngặt. Các phóng viên không được phép tới thăm bà. Theo một số nguồn tin, tháng 5 vừa qua, chính quyền Trung Quốc còn cấm 5 nhà ngoại giao phương Tây đến thăm bà.
Các nhóm vận động trong nhiều năm qua đã kêu gọi Bắc Kinh trả tự do cho bà Lưu Hà, nhưng giới chức nói bà là công dân tự do, và rằng do đau buồn sau cái chết của chồng, bà không muốn liên hệ với ai.
Trong một lá thư được công bố vào tháng 12/2017, bà Lưu đã nói với nhà văn Herta Mueller, người đạt giải Nobel Văn học năm 2009, rằng bà đang sắp “phát điên” và còn so sánh cuộc sống của mình bị cô lập như một cái cây.
Bức thư này được người bạn của bà là ông Liệu Diệc Vũ công bố, ông cho biết: “Tôi đã chia sẻ những lời của bà ấy với hy vọng thúc giục chính phủ phương Tây nói chuyện với chính phủ Trung Quốc về vấn đề này và để bà ấy đi càng sớm càng tốt”.
Kể từ khi Chủ tịch Tập Cận Bình lên nắm quyền vào năm 2013, Bắc Kinh đã tìm cách đàn áp những người bất đồng chính kiến bằng cách bỏ tù hàng trăm nhà hoạt động xã hội, luật sư nhân quyền, trợ lý của họ, và các nhà báo.
Hồng Liên, theo hongkongfp.com