Việc xây dựng chạy theo lợi nhuận, thiếu quy hoạch đồng bộ ở TP. Vinh đã gây thiệt hại đến 80 tỷ đồng về tài sản, hoa màu… và khiến cuộc sống của 5.860 hộ dân bị đảo lộn.
Đợt mưa lũ lịch sử giữa tháng 10/2019 đã khiến 5.860 hộ dân ở TP. Vinh, Nghệ An rơi vào cảnh sống trong biển nước. Cụ thể, đã có 250 hộ dân phải sơ tán, 20.000 con gia cầm bị chết, ngập 370 ha ao hồ nuôi trồng thủy sản, 54ha lúa, 195 ha rau màu, hầu hết các tuyến đường giao thông trên địa bàn bị ngập từ 30 – 60cm.
Trên báo chí, nhiều người dân ở P. Đông Vĩnh, TP. Vinh phản ánh, nguyên nhân dẫn đến ngập lụt vừa qua một phần đến từ việc các công trình giao thông trên địa bàn thi công đường nhưng không làm cống.
Theo đó, đầu năm 2019, UBND phường Đông Vĩnh cho nâng cấp tuyến đường Trần Bình Trọng nhưng đến nay vẫn chưa làm hệ thống cống thoát nước, khiến tuyến đường như một con đê ngăn không cho nước thoát khi có mưa lũ.
Ông Nguyễn Văn Thắng (ngụ xã Hưng Đông, TP Vinh) nói với báo Người Lao động: “Trước đây, nước mưa chảy thoát giữa đồng nên không ngập. Kể từ khi tuyến đường mới rộng 72 m nối từ phường Quán Bàu – TP Vinh đến xã Hưng Tây – huyện Hưng Nguyên làm xong, đường cao như con đê chắn nước khiến nhiều nhà dân phía Nam như ở trong hồ chứa”.
Theo đó, mưa lớn trong các ngày qua khiến các tuyến đường giao thông trên địa bàn bị ngập từ 30 – 60cm. Khu vực Núi Quyết bị sạt lở 60m3 đất làm 04 nhà dân phường Trung Đô bị sập nhà kho, tường rào. Sạt lở gây đổ 01 nhà dân dọc mương số 1, phường Cửa Nam.
Một số khu vực ngập sâu điển hình như: Khối 13,14, 15 phường Bến Thủy ngập sâu trung bình 1,5m; khối 9,12 phường Cửa Nam, khối 1, 14,15 phường Trung Đô ngập sâu trung bình 1,0m; khối 12, 13,14,15 Nghi Kim ngập sâu trung bình 0,8m…
Nhiều người dân TP Vinh sinh sống hàng chục năm ở đây cho biết đợt mưa lớn này được xem là “lịch sử”.
Bà Phạm Thị Dung (72 tuổi, ngụ phường Trường Thi, TP Vinh) cho biết: “Nhà tôi gần đường Hồ Tùng Mậu, chưa bao giờ bị ngập nhưng hôm nay nước cũng đã tràn vào nhà”.
“Vừa ngủ dậy mở cửa hàng ra thì tôi thấy đường đã ngập băng. Mưa lớn thế này chắc hôm nay phải đóng cửa hàng”, ông Đặng Văn Ngãi – ngụ phường Lê Mao, TP Vinh cho hay.
Tình trạng làm đường không cống không chỉ xảy ra ở TP. Vinh mà cũng xuất hiện ở nhiều nơi như: TP. Hà Nội, TP. HCM dẫn tới việc ngập, lụt khi có mưa lớn diễn ra thường xuyên.
PGS.TS Nguyễn Trọng Hòa – nguyên viện trưởng viện nghiên cứu và phát triển TP.HCM cho biết: “Nếu theo đúng quy định và tiêu chuẩn chuẩn đô thị thì đầu tư trên mặt đất một phải đầu tư dưới mặt đất gấp 3 lần mới đảm bảo được. Tức là cái trên mặt đất có giá 1 thì đầu tư dưới mặt đất phải đắt gấp 3 lần tiền.
Về phía, các nhà đầu tư khi đầu tư luôn tính toán làm sao có lợi nhất cho mình, do đó, mới có tình trạng chỉ lo làm phần trên mặt đất mà không lo làm phía dưới.
Chính vì chạy theo lợi nhuận nên mới có câu chuyện doanh nghiệp, nhà đầu tư chỉ lo xây cái nhà, làm xong cái đường chạy cho dự án còn cống thì không cần làm. Ngập dân phải chịu”.
Như vậy, việc ngập lụt không phải do thời tiết, mưa lớn mà là do con người tạo lên.
“Thượng nguồn thì chặt rừng làm thủy điện, chặn dòng nước, làm thay đổi dòng chảy, mưa xuống là chảy hết, không giữ được nước. Còn quy hoạch lại chạy theo phát triển, bê tông hóa toàn bộ khu dưới mặt đất, tạo thành máng trượt cho nước chảy đi”, ông Hòa nói thêm.
Hà My (t/h)