Nhà nguyện dòng Franciscaines hiện đang bị tháo dỡ đang khiến nhiều người tiếc nuối bởi kỷ niệm gắn bó tại nơi này.
Đây cũng là ‘tu viện bỏ hoang’ tại Đà Lạt từng trở thành địa điểm ‘hot’ bởi kiến trúc mang hơi hướng Châu Âu đầy ma mị.
Nhà Nguyện thuộc sự quản lý của trường Đại học Kiến Trúc TP.HCM, số 20, đường Hùng Vương, phường 10, thành phố Đà Lạt.
Hiện tại, công trình đã đi vào giai đoạn tháo dỡ những phần kết cấu bên ngoài, những đoạn bị hư hỏng nặng, san lấp mặt bằng…,
Theo tác giả Nguyễn Vĩnh Nguyên đã có đề cập trong bài Như một khúc linh ca (tập biên khảo Đà Lạt, bên dưới sương mù, Phanbook & NXB Phụ nữ, 2019), công trình nhà nguyện và đan viện Benedict (Biển Đức) được hai kiến trúc sư Alexandre Leonard và Paul Veysseyre thiết kế vào cuối thập niên 1930, đầu thập niên 1940, thời cha Romain Guilauma làm đan viện phụ. Công trình ghi dấu chân đầu tiên của dòng Benedict tại Việt Nam, một lịch sử thánh hiến đặc biệt.
Alexandre Leonard và Paul Veysseyre là hai kiến trúc sư quan trọng, thiết kế đa số dinh thự, biệt thự Đà Lạt trong đầu thập niên 1940.
Năm 1954, dòng Benedict chuyển ra Huế, công trình này được nhượng lại cho các nữ tu dòng Franciscaines. Do nhu cầu mở rộng cơ sở giáo dục, dạy nghề và nội trú, các soeur dòng Franciscaines đã xây thêm dãy phòng học phía sau. Bản thiết kế khu trường học Franciscaines Missionnaires de Marie do Kiến trúc sư Phạm Khánh Chù thực hiện năm 1961.
Như vậy, quần thể kiến trúc này một lần nữa, gắn với một tên tuổi quan trọng của kiến trúc miền Nam.
Tu viện có diện tích khoảng 7 ha, gồm nhà nguyện và khu nội viện được xây dựng theo kiến trúc Gothic. Ngoài việc truyền đạo, tu viện tham gia khám bệnh và chăm sóc cho trẻ em, dạy học cho trẻ từ mẫu giáo tới lớp 5.
Từ năm 1966, tu viện bắt đầu thực hiện chuyên môn giáo dục, trở thành ngôi trường chuyên đào tạo kế toán, thư ký. Khoảng 3 năm sau, tu viện chính thức trở thành trường Thương mại Việt Nữ. Để đáp ứng nhu cầu học viên, tu viện xây dựng thêm hai khối nhà mới gồm nhà học và khu nội trú theo phong cách kiến trúc hiện đại bên cạnh các công trình cũ.
Đến năm 1979, trường học cùng tu viện đóng cửa do các nữ tu ngoại quốc về nước và nữ tu người Việt chuyển đến cộng đoàn khác, toàn bộ tu viện được bàn giao cho nhà nước.
Sau khi tu viện đóng cửa, hai khu nhà lớn được chuyển thành cơ sở cho trường Bổ túc Văn hóa rồi làm khách sạn Lâm Viên, thành trường THPT Trần Phú. Nhà nguyện cổ và khu nội viện được dùng làm nhà kho, phòng học thể dục. Khoảng năm 2000, trường học Trần Phú được xây dựng mới, các công trình nơi đây bị bỏ hoang.
Theo Lâm Viên / Việt Nam Thời Báo