Nhiều nhân viên kỹ thuật cao của Vietnam Airlines đã đồng loạt xin nghỉ việc để sang làm việc tại hãng hàng không khác. Và cho đến thời điểm này, cái tên đang được nhắc đến nhiều nhất là Vietjet Air.
Nguyên nhân chính khiến nạn “chảy máu chất xám” bất ngờ diễn ra ở hãng hàng không lớn nhất Việt Nam này được cho là do vấn đề lương bổng. Theo đó, các phi công của Vietnam Airlines cho rằng đang có sự chênh lệch quá lớn giữa lương phi công Việt Nam và lương phi công nước ngoài khi lương của phi công nước ngoài cao gấp hai, ba lần lương phi công trong nước.
Ngoài ra, các phi công cũng “không hài lòng” với mức lương của Vietnam Airlines chi trả cho họ. Do đó, phần lớn đều muốn xin nghỉ và chuyển sang hãng hàng không tư nhân khác.
Và cái tên đang được nhắc đến nhiều nhất là Vietjet Air. Bởi cho đến thời điểm này, khi hãng hàng không Air Mekong đã phải ngừng bay, và hiện chỉ còn duy nhất hãng hàng không tư nhân là VietJet Air còn đang hoạt động ở Việt Nam. Hơn thế nữa, theo những thông tin được nhiều trang báo khác, các phi công Vietnam Airlines muốn chuyển sang VietJet Air vì cho rằng mức lương họ đang nhận chỉ bằng một nửa so với các đồng nghiệp ở VietJet Air.
Không chỉ riêng Vietnam Airlines mà nhân sự của Jetstar Pacific cũng được cho là đã xin nghỉ hàng loạt để được chuyển sang VietJet Air, với mức lương thưởng cao hơn. Và trong những năm gần đây, VietJet Air đang trở thành nơi thu hút nhân sự từ các hãng hàng không khác với những chính sách lương bổng được coi là lý tưởng.
Hơn thế nữa, VietJet Air vừa gây “sốc” dư luận bằng hợp đồng mua 100 máy bay để phục vụ kế hoạch mở rộng hoạt động trong tương lai của hãng. Điều này khiến hãng chắc chắn sẽ phải có thêm nhu cầu tuyển nhân sự mới. Và nhân sự ở các hãng hàng không khác cũng coi đây là cơ hội để đổi hãng bay.
Tuy nhiên, theo ông Phạm Ngọc Minh, các phi công cho rằng tiền lương của Vietnam Airlines trả thấp hơn bên Vietjet Air dẫn đến việc họ xin nghỉ hàng loạt là không đúng.
Trả lời báo Pháp luật TP HCM, CEO của Vietnam Airlines cho biết: “Hiện thu nhập của các phi công ở Vietnam Airlines khoảng 200 triệu đồng/tháng, cao hơn lương của giáo sư, tiến sĩ và người lao động ở các lĩnh vực khác. Hơn nữa hãng hàng không Vietnam Airlines thuộc quốc gia nên không thể đòi hỏi như vậy. Nếu anh là hàng không tư nhân thì câu chuyện đồng lương đó là đúng…”.
Nói về sự chênh lệch giữa lương phi công “ngoại” và phi công “nội”, lãnh đạo Vietnam Airlines giải thích: “Thuê phi công nước ngoài, chúng tôi không phải tốn chi phí đào tạo. Bởi chi phí đào tạo một phi công căn bản lên đến 2,5 tỉ đồng, sau đó, người phi công này còn phải bay thực tế nhiều ngàn giờ nữa mới có thể trở thành cơ phó hay cơ trưởng. Chưa kể trong quá trình làm việc, Vietnam Airlines còn phải tổ chức các khóa học đào tạo tiếp theo để phân cấp và chuyển loại phi công”.
Trước nguy cơ ra đi hàng loạt này, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng đã yêu cầu Cục hàng không tạm thời chưa chấp thuận việc chuyển đổi nhà khai thác đối với lao động kỹ thuật cao của Vietnam Airlines nhằm tránh gây xáo trộn và ảnh hưởng đến an toàn bay.
Theo Kienthuc