Tinh Hoa

Việt Nam xóa tất cả án tử hình cho quan chức tham nhũng

Theo Bộ Luật Hình sự (sửa đổi) vừa mới được quốc hội thông qua, các bản án tử hình đã tuyên với các quan chức tham nhũng, giờ sẽ được ân giảm thành tù chung thân, nếu họ trả lại ít nhất 75% số tiền bất hợp pháp đã tước đoạt.

Quy định mới nằm trong khuôn khổ Bộ Luật Hình sự được sửa đổi đã thông qua với đa số áp đảo tại quốc hội Việt Nam trong ngày 28/11.

Theo điều khoản chỉnh sửa sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2016, Việt Nam huỷ bỏ hình phạt tử hình đối với 7 tội danh gồm có: “đầu hàng địch, chống đối mệnh lệnh, phá hoại các công trình có tầm quan trọng đối với an ninh quốc gia, cướp tài sản, sở hữu và vận chuyển trái phép ma tuý, sản xuất và buôn hàng giả, kể cả lương thực”.

Bộ Luật Hình sự được tu chính cũng sẽ bỏ án tử hình đối với các tử tội từ 75 tuổi trở lên.

ông Dương Chí Dũng bị tuyên án tử hình vì tham nhũng

Theo AP, một số nhà lập pháp đã bày tỏ những ý kiến chống đối đề nghị sửa đổi luật hình sự trong các cuộc tranh cãi tại quốc hội vào tháng 6, họ cho rằng bỏ án tử hình sẽ làm suy yếu cuộc đấu tranh chống tham nhũng.

Đại biểu Đỗ Ngọc Niễn được báo chí nhà nước trích lời nói rằng: “Làm như vậy sẽ tạo ra một lỗ hổng pháp lý để các giới chức tham nhũng dùng tiền đã cướp đoạt để chuộc mạng”.

Các tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế và một số nước Tây Phương trước đó đã hối thúc Việt Nam huỷ bỏ án tử hình.

Tính đến năm 2010, có 97 quốc gia trên thế giới đã hủy bỏ án tử hình, 8 quốc gia chỉ áp dụng án tử hình trong các trường hợp rất đặc biệt (như tội ác chiến tranh). 35 quốc gia mặc dù vẫn duy trì án tử trong Bộ Luật Hình sự nhưng chưa xử tử người nào ít nhất là trong 10 năm qua, và 58 quốc gia vẫn còn áp dụng nó.

Đối với các quốc gia còn duy trì án tử hình, đa phần nó chỉ được áp dụng cho những kẻ phạm tội “chống lại sự sống”, như tội giết người và tội ác chiến tranh. Một số nước khác như Trung Quốc, Việt Nam, Indonesia, Malaysia, Singapore và Saudi Arabia, án tử còn được áp dụng cho các tội bất bạo động như buôn lậu ma túy và tham nhũng.

Vì những lý do đạo đức hoặc tôn giáo, kể từ thời Cổ đại đã có những nỗ lực và thực tiễn nhằm hủy bỏ án tử hình, động thái này mang tính toàn cầu kể từ Đệ nhị Thế chiến, đặc biệt là tại Châu Âu, lục địa già hiện nay được coi là đã “thanh toán” án tử về căn bản.

Hồng Khang tổng hợp