Việt Nam đã trở thành Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (LHQ) nhiệm kỳ 2020-2021 với 192/193 phiếu ủng hộ.
Tại khóa họp lần thứ 73 Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc (LHQ) đã bầu chọn 5 ủy viên không thường trực mới của Hội đồng Bảo an (HĐBA). Trong đó, có 6 nước ứng cử cho 5 vị trí, 2 vị trí dành cho nhóm các nước châu Phi, 1 vị trí cho nhóm các nước Mỹ Latinh, 1 vị trí cho nhóm nước Đông Âu và 1 vị trí cho nhóm các nước châu Á-Thái Bình Dương.
Được biết, kỳ bầu cử ủy viên không thường trực HĐBA lần này được cho là khá thuận lợi đối với các nước ra ứng cử, bởi ngoài Estonia và Romania phải cạnh tranh phiếu cho 1 vị trí dành cho nhóm nước Đông Âu, 4 ứng viên còn lại gồm Việt Nam, Niger, Tunisia cùng Saint Vincent và Grenadines đều là ứng viên duy nhất đại diện cho khu vực của mình.
Trong đó kết quả bầu chọn là Niger và Tunisia sẽ thay thế vị trí của Bờ Biển Ngà và Guinea Xích Đạo tại khu vực châu Phi, Grenadines thay Peru tại Mỹ Latin, Estonia/Romania sẽ thay Ba Lan ở Đông Âu và Việt Nam sẽ thay thế cho Kuwait tại châu Á.
Thời gian bắt đầu nhiệm kỳ cho các nước nêu trên dự kiến bắt đầu từ ngày 1/1/2020.
Khoảnh khắc khi nhận được kết quả bỏ phiếu, cả hội trường LHQ đã “ồ” lên vì kết quả rực rỡ của Việt Nam. Sau đó là tiếng reo hò, vỗ tay kéo dài tới hơn 24 giây, càng lúc càng giòn giã bởi sự chúc mừng của cộng đồng đại diện các quốc gia trên thế giới. Đây được cho là thành tích và thành tựu đáng nể mà Việt Nam xứng đáng nhận được trong suốt những năm qua.
Trên trang cá nhân, Cựu Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Phạm Quang Vinh viết: “Đại hội đồng LHQ: Việt Nam được 192/193 phiếu ủng hộ, kỷ lục chưa từng có trong 75 năm phát triển của LHQ.”
Phát biểu trong một cuộc họp báo thường kỳ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết: “Để chuẩn bị cho việc tham gia HĐBA LHQ nhiệm kỳ 2020-2021, Việt Nam đã tích cực triển khai các công tác chuẩn bị mọi mặt về nội dung, nguồn lực, nhân sự, thông tin tuyên truyền, và xây dựng cơ chế phối hợp giữa các cơ quan liên quan; tham vấn, trao đổi kinh nghiệm với các nước, các cơ quan của LHQ và các tổ chức nghiên cứu quốc tế”.
Đây là lần thứ hai Việt Nam ứng cử vào Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Việt Nam từng là thành viên không thường trực tại Hội đồng này nhiệm kỳ 2008 – 2009 và đảm nhận vai trò Chủ tịch Hội đồng vào tháng 7/2008 và tháng 10/2009. Ngày 17/10/2007, với số phiếu cũng rất cao, 183/190 Việt Nam lần đầu tiên trở thành thành viên của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, sau 30 năm kể từ khi được kết nạp vào tổ chức toàn cầu này (20/9/1977).
Kết quả này phản ánh sự tín nhiệm của cộng đồng quốc tế dành cho Việt Nam, và ngược lại cũng là thành quả xứng đáng của Việt Nam sau quá trình dài vận động và đóng góp vào hòa bình, an ninh thế giới – những nhiệm vụ cốt lõi của HĐBA.
Kể cả khi kết thúc nhiệm kỳ 2008-2009, Việt Nam cũng tiếp tục cống hiến không ngừng nghỉ với các vai trò như thành viên Hội đồng nhân quyền nhiệm kỳ 2014-2016, Hội đồng kinh tế và xã hội LHQ (2015-2019) và Hội đồng chấp hành UNESCO (2017-2021).
Theo chia sẻ của Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc là một tổ chức có vai trò hết sức quan trọng và các thành viên của Liên Hợp Quốc đều mong muốn ứng cử trở thành thành viên.
Tuy nhiên, không phải nước nào cũng có thể ứng cử và trúng cử. Đó là một sự cạnh tranh rất quyết liệt giữa các nước trong cùng một nhóm.
Trong lịch sử, đã có những cuộc bầu cử hơn 140 vòng mà không bầu được thành viên của nhóm nước để ứng cử thành viên Hội đồng Bảo an, cuối cùng phải đưa một nước khác ra ứng cử và trúng cử.
Cũng có những nhóm nước ra tranh cử qua rất nhiều vòng bầu cử vẫn không đạt được số phiếu 2/3 cần thiết, cuối cùng 2 nước phải chia nhau, mỗi nước một nửa nhiệm kỳ.
Điều đó nói lên việc Việt Nam là ứng cử viên duy nhất của khu vực châu Á – Thái Bình Dương và trúng cử với số phiếu cao là một nỗ lực rất lớn của Việt Nam trong quá trình, cho thấy được uy tín, vị trí, vai trò và khả năng đóng góp của Việt Nam cho Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, tạo ra được sự thống nhất đề cử Việt Nam trong nhóm châu Á – Thái Bình Dương.
Anh Thư (t/h)
Xem thêm: