Dù hơn 3.000 tỷ đồng chênh lệch tỷ giá vẫn chưa được tính vào giá điện nhưng để đảm bảo nguồn điện cung cấp cho sinh hoạt, sản xuất, EVN dự kiến có thể mua hơn 2 tỷ kwh điện của Trung Quốc trong 2020 tới…
Dự kiến phải mua hơn 2 tỷ kWh điện từ Trung Quốc trong 2020
Tại buổi công bố kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2018 của EVN diễn ra chiều 18/12, lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết, năm 2020 là năm xuất hiện nhiều yếu tố bất lợi, gây khó khăn cho việc cung cấp điện.
Nguyên nhân chủ yếu là do tình hình thuỷ văn không thuận lợi, cực đoan. Cùng với đó là loạt công trình điện chậm tiến độ…
Theo đó, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực thông tin, với tình hình hiện tại, năm 2020, ước tính Cục sẽ vẫn phải nhập khẩu khoảng hơn 2 tỷ kWh điện từ Trung Quốc và hơn 1 tỷ kWh nhập từ Lào bởi hiện nay.
Được biết, giá điện mua từ Lào và Trung Quốc đều thấp hơn mức giá thành sản xuất nhiệt điện ở Việt Nam, dưới 7 UScents/kWh.
Ngoài ra, năm 2020, dự kiến phải huy động 132 tỷ kWh điện từ nhiệt điện than. Lượng than sử dụng dự kiến trên 66 triệu tấn. Trong đó, xấp xỉ 15 triệu tấn nhập khẩu, còn lại là đơn vị trong nước cung cấp.
Hơn 3.000 tỷ đồng chênh lệch tỷ giá chưa có nguồn thanh toán
Cũng theo ông Nguyễn Xuân Nam, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thì hai khoản chênh lệch tỷ giá năm 2015 và 2017 vẫn chưa có nguồn thanh toán.
Theo quy định tại Quyết định 34/2017 của Thủ tướng, một phần khoản chênh lệch tỷ giá thực hiện theo hợp đồng mua bán điện của năm 2015 và khoản chênh lệch tỷ giá của cả năm 2017 sẽ được đưa vào chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2018.
Tuy nhiên, do năm 2018 không điều chỉnh giá điện nên hai khoản chênh lệch tỷ giá này, với tổng giá trị khoảng 3.090,9 tỷ đồng, được treo lại và hiện các khoản chênh lệch này vẫn chưa có nguồn trả. Về nguyên tắc thì tỷ giá tăng phải đưa vào giá điện. Điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới giá thành sản xuất kinh doanh điện.
Điều chỉnh giá điện căn cứ vào nhiều yếu tố
Tuy nhiên, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cũng cho biết, theo phương án được phê duyệt, việc cung cấp điện cho sản xuất và sinh hoạt năm 2020 về cơ bản được đảm bảo.
Và việc có điều chỉnh giá điện hay không thì không chỉ căn cứ vào giá thành điện mà còn căn cứ vào nhiều yếu tố khác nữa…
Trước đó, vào cuối tháng 5/2019, Bộ Công Thương đã có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ liên quan việc nhập khẩu điện từ Trung Quốc giai đoạn 2021-2025. Cụ thể:
Giai đoạn 2021-2022: Mở rộng hợp đồng mua bán điện hiện hữu (sẽ hết hạn vào năm 2020) để tiếp tục nhập khẩu qua các đường dây liên kết 220kV, điều khoản về giá điện giữ nguyên như Hợp đồng mua bán điện hiện nay.
Giai đoạn 2023-2025: Nâng tổng công suất nhập tại Lào Cai và Hà Giang lên 2.000 MW, sản lượng 7-9 tỷ kWh/năm…
Sau 2025: Tiếp tục nghiên cứu, trao đổi với công ty lưới điện phương Nam Trung Quốc về phương án nhập khẩu ở cấp điện áp 500kV tại Lào Cai, báo cáo các cấp thẩm quyền xem xét, quyết định…
Vũ Tuấn (t/h)