Việt Nam dường như phải bồi thường 1 tỷ đô-la Mỹ cho các công ty dầu khí quốc tế sau khi hủy bỏ hợp đồng trong khu vực tranh chấp do áp lực từ Trung Quốc.
BBC dẫn nguồn thông tin riêng cho hay, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PetroVietnam) đã đồng ý bồi thường khoảng 1 tỷ đô la cho Repsol của Tây Ban Nha và Mubadala của Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất. Tờ báo mạng Nhật Bản The Diplomat cũng đưa ra thông tin tương tự.
Theo nhà nghiên cứu Anh Bill Hayton, mặc dù phát ngôn viên của tập đoàn Repsol “không muốn xác nhận hay phủ nhận” thông tin về số tiền nói trên, nhưng việc phân tích báo cáo tài chính của công ty cho thấy có “một khoản tiền rất lớn” có thể liên quan đến việc bồi hoàn này.
Việc bồi thường này liên quan đến thỏa thuận hủy khoan thăm dò theo kế hoạch ở lô 135-136/03 hồi tháng 7/2017 và lệnh dừng khoan lô 07/03 gần đó vào tháng 8/2018 giữa PetroVietnam và Repsol. Theo chuyên gia Bill Hayton, Repsol đã đấu thầu thăm dò tại 13 lô dầu khí của Việt Nam, mà hai trong số những dự án đó nằm ở rìa ngoài của vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam, lọt hẳn trong đường 9 đoạn, hay đường lưỡi bò mà Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền.
Vào thời điểm đó, 40 tàu chiến của Bắc Kinh đã được điều đến vùng ngoài khơi đảo Hải Nam, cách địa điểm các giàn khoan khoảng hai ngày di chuyển, có vẻ như họ sẵn sàng sử dụng vũ lực nếu việc thăm dò tiếp tục diễn ra.
Cuối tháng 6/2020, trang mạng thoibao.de tại Đức dẫn một nguồn tin tại Việt Nam tiết lộ, do buộc phải ngừng thăm dò tại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam theo kế hoạch, tập đoàn Repsol đã đòi chính quyền Việt Nam phải bồi thường gần 1,4 tỷ đô la, nhưng thỏa thuận sau đó đã giảm xuống 1,2 tỷ đô la và PetroVietnam phải trả trong 3 năm.
BBC dẫn thông tin từ một nguồn khác, được cho là nắm bắt rất chắc về thỏa thuận nói rằng Việt Nam sẽ trả cho Repsol và Mubadala 800 triệu USD cho quyền của họ trong các lô kể trên và thêm 200 triệu USD bồi thường cho tất cả các khoản đầu tư họ đã thực hiện trong quá trình thăm dò và phát triển
Những áp lực của Trung Quốc nhằm hạn chế khả năng phát triển tài nguyên dầu khí ở Biển Đông của Việt Nam không dừng lại tại đây. Trung tuần tháng trước, BBC có bài viết Rosneft VN hủy hợp đồng với Noble trên Biển Đông: ‘Sức ép từ Trung Quốc, nhưng bản chất khác vụ Repsol’. Qua đó, Việt Nam lại tốn thêm hàng triệu đô bồi thường.
GS Carl Thayer, nhà nghiên cứu Đông Nam Á kỳ cựu nói với BBC News Tiếng Việt từ Úc rằng những lần xuống nước này của Việt Nam có thể ảnh hưởng nặng nề đến uy tín và giết chết nỗ lực phát triển nguồn trữ lượng khí ở khu vực Bãi Tư Chính của Việt Nam.
Xem bài phân tích của nhà nghiên cứu Anh Bill Hayton tại đây.
Từ Thức (t/h)