Một trong những điều kiện cần để Việt Nam gặt hái lợi ích lớn hơn từ EVFTA là nâng cao năng lực thực hành cơ chế xử lý giữa nhà nước và nhà đầu tư một cách công bằng, kèm theo đó là cải cách thể chế.
Hiệp định Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu – Việt Nam (EVFTA) đã được Nghị viện châu Âu (EP) bỏ phiếu thông qua hôm 12/2/2020 và đang chờ Quốc hội Việt Nam phê chuẩn trong tháng 5 này, tại kì họp thứ 9 QH khóa 14 khai mạc sáng 20/5 vừa qua. Dự kiến hiệp định có hiệu lực ngay từ tháng 7/2020.
Ngân hàng Thế giới (WB) vừa có báo cáo ước tính rằng chỉ riêng việc tận dụng các ưu đãi thuế quan thực thi theo FTA này đã có thể giúp GDP Việt Nam tăng 2.4% và xuất khẩu tăng 12% sau 10 năm, tương đương tăng thêm khoảng 31 tỷ USD, đồng thời cũng sẽ giúp 100.000 – 800.000 người Việt thoát nghèo.
Tuy nhiên đó không phải là “món hời” lớn nhất mà Việt Nam có thể đạt được nếu có thể thực hiện cải cách thể chế, xây dựng nền kinh tế thị trường hoàn thiện hơn nữa.
Theo đó, WB ước tính những cải cách này sẽ tạo ra “cú hích năng suất”, giúp GDP tăng thêm 6.8% so với kịch bản cơ sở vào năm 2030. Nhưng để đạt được lợi ích to lớn này thì Việt Nam cần nâng cao năng lực thực thi ba vấn đề chính bao gồm: các quy tắc xuất xứ, các biện pháp vệ sinh dịch tễ cho cây trồng và vật nuôi và cơ chế xử lý tranh chấp giữa nhà nước – nhà đầu tư (nội dung thứ 3 chủ yếu nằm trong Hiệp định Bảo hộ Đầu tư EVIPA).
Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân cũng đã đánh giá về những cơ hội mở ra cho Việt Nam khi Hiệp định EVFTA và EVIPA được thông qua, ông nói: “Trong tình hình hiện nay, có thể thấy rằng khi EVFTA cũng như EVIPA được ký kết sớm với châu Âu, Việt Nam sẽ thu hút được một dòng vốn đầu tư nước ngoài từ châu Âu. Đặc biệt là khi các doanh nghiệp muốn chuyển khỏi các thị trường như thị trường Trung Quốc để tìm một thị trường khác thì Việt Nam là một điểm đến.”
Tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng, rào cản lớn của Việt Nam là thể chế. Theo đó, ông Trần Quang Ngân cho rằng các hiệp định bàn rất nhiều về nội dung phải cải cách thể chế, cho nên sẽ thúc đẩy Việt Nam sớm hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường cũng như đẩy nhanh quá trình cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh tốt hơn.
Được biết, EVFTA bổ sung các quy định giới hạn việc sử dụng các công cụ Phòng Vệ Thương Mại (PVTM) để tránh lạm dụng và đảm bảo công bằng, minh bạch. Các quy định này tạo ra môi trường kinh doanh ổn định và thuận lợi hơn cho doanh nghiệp xuất khẩu.
Bên cạnh đó, trong hiệp định cũng quy định nguyên tắc áp dụng mức thuế thấp hơn, tức là thuế chống bán phá giá hoặc chống trợ cấp chỉ ở mức đủ để loại bỏ thiệt hại.
Đặc biệt, EVFTA quy định rõ hai bên sẽ không áp dụng biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp nếu việc này không phù hợp với lợi ích chung.
Theo nhận định của Bộ Công thương, trong EVFTA, một số ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn như nông sản, thủy sản, dệt may, da giày, sắt thép… có thể có nguy cơ cao hơn và khả năng bị áp dụng biện pháp PVTM cao.
Tới đây, Bộ Công thương có kế hoạch hoàn thiện thể chế về PVTM để phù hợp với các diễn biến mới khi tham gia EVFTA. Bên cạnh đó sẽ tăng cường công tác thực thi các quy định về PVTM.
Từ Thức (t/h)