Viện Pasteur Nha Trang buộc phải tạm hoãn nhận mẫu xét nghiệm do hết nguồn sinh phẩm, hóa chất, vật tư. Tiểu ban điều trị Trung Ương thông báo có một số trường hợp bệnh nhân có thể tử vong bất cứ lúc nào, và ‘bất khả kháng’ do tiền sử bệnh quá nặng.
Sáng nay 6/8, lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Khánh Hòa cho biết, đơn vị vừa nhận được văn bản của Viện Pasteur Nha Trang thông báo tạm hoãn nhận mẫu COVID-19 để xét nghiệm.
Trước đó một ngày, viện Pasteur Nha Trang gửi thông báo tới 11 Sở Y tế các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật 11 tỉnh, thành phố thuộc khu vực miền Trung – Tây Nguyên về việc tạm hoãn nhận mẫu COVID-19 do hết nguồn sinh phẩm, hóa chất, vật tư để làm các xét nghiệm.
Tỉnh Khánh Hòa được Trung ương giao nhiệm vụ tiếp nhận, cách ly tập trung công dân Việt Nam là du học sinh, người lao động và chuyên gia nước ngoài đến Việt Nam thông qua Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh. Với 730 trường hợp đang được cách ly, nhu cầu cần xét nghiệm ngay khá cao.
Ông Nguyễn Đắc Tài – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, cho biết để đáp ứng yêu cầu này, tỉnh Khánh Hòa đã đồng ý với chủ trương dùng ngân sách ước tính gần 3 tỷ đồng để mua 4.000 kit tách chiết và các sinh phẩm, vật tư. Tuy vậy, theo quy định về quản lý, việc sử dụng ngân sách để mua các vật tư, hàng hóa phải thông qua đấu thầu nên cần có thời gian mới đáp ứng được.
Theo bác sĩ Huỳnh Văn Dõng – Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Khánh Hòa, một đơn vị tại địa phương đã đề xuất về việc hỗ trợ máy xét nghiệm cho tỉnh Khánh Hòa, tỉnh chỉ cần mua hóa chất, vật tư. Chủ trương này đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa đồng ý. Dự kiến, trong tuần tới máy xét nghiệm sẽ bắt đầu hoạt động với công suất 200 mẫu/ngày, đáp ứng kịp thời cho việc xét nghiệm các mẫu bệnh phẩm của tỉnh.
15 bệnh nhân COVID-19 nguy kịch, nặng, một số tiên lượng “tử vong bất cứ lúc nào”
Thông cáo từ Tiểu ban điều trị Trung Ương chiều nay cho biết, hiện Việt Nam có 15 ca bệnh nhân nhiễm viêm phổi Vũ Hán nặng. Đáng chú ý là, trong số các ca này có 4 bệnh nhân đang chạy ECMO, ngoài ra, một số bệnh nhân rất nguy kịch, tiên lượng tử vong bất cứ lúc nào.
Theo đó tất cả các bệnh nhân tử vong đều có tiền sử bệnh tật rất nặng. Trước khi mắc COVID-19, họ đã có thời gian dài duy trì sự sống dựa vào máy móc và thuốc, nhiều người suy thận mạn tính, phải chạy thận nhân tạo, kèm theo một loạt bệnh nặng khác.
Đơn cử, bệnh nhân 577, (73 tuổi), chuyển từ Khoa Y học Nhiệt đới, Bệnh viện Đà Nẵng về Trung tâm Y tế huyện Hoà Vang ngày 1/8. Bệnh nhân chẩn đoán viêm phổi COVID-19, suy thận mạn, suy tim, tăng huyết áp tình trạng hiện nay đang thở máy, phù toàn thân rất nhiều.
Hoặc bệnh nhân 431, 55 tuổi, nhập viện Bệnh viện Đà Nẵng ngày 26/7, chuyển Bệnh viện Đa khoa Trung ương Huế 30/7. Bệnh nhân có tiền sử suy thận mạn. Đến nay, bệnh nhân được chẩn đoán sốc nhiễm khuẩn, COVID-19, suy thận mạn. Hiện tại bệnh hôn mê, thở máy, xuất huyết tiêu hoá.
GS.TS Nguyễn Gia Bình, Chủ tịch Hội Hồi sức cấp cứu Việt Nam khẳng định: “COVID-19 chỉ là giọt nước tràn ly, bệnh nhân tử vong là “bất khả kháng””.
Ngoài 15 ca nói trên, hiện còn có 24 bệnh nhân khác có diễn biến nặng hơn.
Từ Thức (t/h)