Nền kinh tế Đài Loan dự kiến sẽ tiếp tục hồi phục vào năm 2017, đặc biệt là trong lĩnh vực xuất khẩu. Tuy nhiên, xu hướng tăng dự kiến sẽ vẫn ở mức độ chậm, do môi trường chính trị quốc tế và trong nước không ổn định.
Bài viết dưới đây là một phần trong loạt dự báo kinh tế năm 2017 của các nền kinh tế lớn tại châu Á – Thái Bình Dương.
Theo Tổng cục về Ngân sách, Kế toán và Thống kê, kinh tế của Đài Loan đã trở lại đúng hướng trong năm 2016 với mức tăng trưởng sản phẩm quốc nội 1,4% so với tốc độ tăng trưởng chỉ 0,75% trong năm 2015 – con số thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu bắt đầu năm 2007.
Chính phủ dự báo tốc độ tăng trưởng GDP trong năm 2017 sẽ là 1,87%. Tuy nhiên, cơ quan nghiên cứu hàng đầu của Đài Loan Academia Sinica dự báo một tỷ lệ thấp hơn, 1,68%.
Chính phủ đã tuyên dương sự phục hồi đáng chú ý của thị trường bán dẫn và sự tăng giá hàng hóa như những yếu tố đóng góp chính vào việc cải thiện kinh tế năm 2016 và hy vọng sự gia tăng nhu cầu về công nghệ mới sẽ mang lại lợi ích cho các nhà xuất khẩu của Đài Loan.
Tuy nhiên, chỉ số giá tiêu dùng tăng cao có thể làm suy yếu nhu cầu nội địa. Academia Sinica ước tính tiêu dùng cá nhân tăng trưởng 2,03% trong năm 2016, nhưng dự báo tỷ lệ này chỉ đạt 1,3% trong năm 2017.
Tình hình quốc tế, bao gồm khả năng Mỹ tăng cường các chính sách bảo hộ thương mại và các mối quan hệ căng thẳng với Trung Quốc đều góp phần làm gia tăng sự bất ổn cho kinh tế Đài Loan.
Năm 2016, tổng lượng khách du lịch đến Đài Loan giảm 4%, trong đó gần 30% đến từ Trung Quốc. Sự suy giảm này không thể bù đắp được sự gia tăng mạnh (17,47%) về số lượng khách du lịch đến từ các quốc gia khác.
Tuy nhiên, khách du lịch không phải là vấn đề chính cần lo lắng về Trung Quốc. Bất cứ căng thẳng leo thang nào giữa Bắc Kinh và Washington, cho dù về thương mại hay Biển Đông đều có thể ảnh hưởng đến Đài Loan.
“Bên cạnh những ảnh hưởng trực tiếp đến xuất khẩu dịch vụ do sự suy giảm mạnh khách du lịch Trung Quốc, cạnh tranh công nghiệp và đối đầu ngoại giao giữa 2 eo biển sẽ ảnh hưởng hơn nữa đến nền kinh tế Đài Loan”, Peng Su-ling, giám đốc Trung tâm Dự báo Kinh tế tại Viện Nghiên cứu kinh tế Chung-Hua cho biết.
Với những bất ổn này, chính quyền của Tổng thống Thái Anh Văn đã bắt tay vào các chính sách mới để đảm bảo cho đà phát triển, bao gồm “Chính sách Hướng Nam Mới” tập trung vào việc tăng cường hợp tác kinh doanh và trao đổi thương mại giữa Đài Loan và 18 quốc gia châu Á-Thái Bình Dương.
Một sáng kiến đầy tham vọng khác là kế hoạch phát triển Thung lũng Silicon ở châu Á, nhằm mục đích thúc đẩy sự đổi mới, nghiên cứu và phát triển các thiết bị và ứng dụng Internet. Bên cạnh đó là để nâng cấp hệ sinh thái khởi nghiệp và kinh doanh của Đài Loan.
Peng cho biết những chính sách này không chỉ ảnh hưởng đến hiệu suất tăng trưởng kinh tế năm 2017, mà còn sẽ quyết định khả năng cạnh tranh quốc tế trong dài hạn của Đài Loan.
Theo Asia Sentinel