Tinh Hoa

Viêm não Nhật Bản vào mùa

TP – Viêm não Nhật Bản bắt đầu vào mùa, nếu không tiêm phòng vắc-xin cho trẻ thì nguy cơ mắc bệnh rất cao. Đó là khuyến cáo của Th.s Đỗ Thiện Hải, Phó trưởng khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Nhi T.Ư).

Ảnh minh họa

Trong những ngày nắng nóng vừa qua, khoa Truyền nhiễm đã tiếp nhận và điều trị cho một số trẻ bị viêm não Nhật Bản (VNNB). Có trẻ phải thở oxy, thở máy hoặc chịu những di chứng nặng nề.

Bác sĩ Đỗ Thiện Hải cho biết, bệnh nhi được chuyển đến viện trong tình trạng nặng hoặc rất nặng vì biểu hiện ban đầu (sốt cao, chưa có biểu hiện rối loạn tri giác) của bệnh giống với với các bệnh cảm cúm thông thường nên cha mẹ thường tự điều trị tại nhà cho trẻ bằng thuốc hạ sốt và kháng sinh.

Trong các bệnh viêm não, nguy hiểm và để lại di chứng nặng nề nhất có thể nói đến VNNB. Theo thông báo của Bộ Y tế, từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 26 trường hợp mắc VNNB tại 12 tỉnh/thành phố, không có trường hợp tử vong. Các trường hợp mắc VNNB chủ yếu gặp ở trẻ dưới 15 tuổi (chiếm 96,2%), trong đó lứa tuổi 5-10 chiếm tỷ lệ mắc cao (46,2%), 10-15 tuổi chiếm 34,6%, 1-5 tuổi chiếm 15,4%, trên 15 tuổi chiếm 3,8%.

Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, đây là một bệnh nhiễm virus cấp tính ở thần kinh trung ương nên có nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời (20-30% số bệnh nhân có triệu chứng viêm não bị tử vong, 30-50% những người sống sót tiếp tục có biểu hiện rối loạn thần kinh, nhận thức hoặc triệu chứng tâm thần). Nguy hiểm là vậy nhưng bệnh hoàn toàn có thể phòng ngừa bằng vắc-xin.

Bác sĩ Đỗ Thiện Hải cho hay, thời gian ủ bệnh của VNNB từ 5-15 ngày. Khoảng thời gian từ 1-6 ngày sau khi bị virus xâm nhập, bệnh nhân có sốt kèm theo ớn lạnh, mệt mỏi, đau đầu dữ dội, buồn nôn, nôn khan (không liên quan đến bữa ăn của trẻ). Giai đoạn viêm não cấp tính với biểu hiện sốt cao liên tục 38-40 độ C, đau đầu, cứng gáy, có dấu hiệu thần kinh trung ương bị thương tổn như co giật, run giật tự nhiên ở ngón tay, mi mắt. Sau điều trị, bệnh nhân có thể hồi phục nhưng tỷ lệ có di chứng rất cao.

Biến chứng trong bệnh VNNB cũng rất nặng nề như viêm phổi, viêm phế quản hoặc viêm phế quản – phổi do bội nhiễm vi khuẩn bởi sự hỗ trợ hô hấp như thở máy, đặt nội khí quản, thông tiểu… do các dụng cụ y tế không được vô khuẩn tuyệt đối. Một số có di chứng muộn sau một năm trẻ bị bệnh này hoặc lâu hơn như động kinh, Parkinson. Bệnh VNNB có tỷ lệ tử vong cao (khoảng từ 20-80%) thường gặp ở những bệnh nhi nặng như có co giật, hôn mê sâu, nằm lâu ngày, suy kiệt…

Virus gây VNNB truyền sang người qua vết đốt của muỗi bị nhiễm bệnh, thường là muỗi vằn. Các loài chim hoang dã là ổ chứa virus chủ yếu trong thiên nhiên và lợn là ổ chứa quan trọng nhất trong súc vật nuôi gần người. Muỗi Culex là đường lây truyền bệnh. Ở Việt Nam, loại muỗi Culex tritaeniorhynchus sinh sản mạnh vào mùa hè (nhất là từ tháng 3 đến tháng 7), hoạt động mạnh vào buổi chập tối. Loại muỗi này có mật độ cao ở vùng đồng bằng và trung du, nó là trung gian truyền bệnh chủ yếu bệnh VNNB.

Tháng 7 được coi là đỉnh của dịch bệnh. Biện pháp phòng bệnh tốt nhất là tiêm phòng.

Theo Tiền Phong