Theo một nghiên cứu kinh tế mới đây, nếu Tổng thống Joe Biden tăng thuế doanh nghiệp, các dự luật về mã số thuế khác được chấp thuận và thông qua, thì khoảng 1 triệu việc làm sẽ biến mất trong vòng 2 năm và các hoạt động giao thương kinh tế ở Mỹ cũng sẽ giảm dần, theo Epoch Times.
Cụ thể, nghiên cứu của Hiệp hội Nhà Sản xuất Quốc gia Mỹ (NAM) do các nhà kinh tế của Đại học Rice thực hiện, cho thấy các kế hoạch về cơ sở hạ tầng của Tổng thống Biden sẽ gây ra một loạt hậu quả tiêu cực. Trước đó, ông Biden đã kêu gọi tăng thuế doanh nghiệp từ mức hiện tại 21% lên mức 28% trong tương lai.
Ngày 8/4, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành NAM Jay Timmons phát biểu trong một tuyên bố rằng: “Nghiên cứu này cho chúng ta biết một cách chính xác những gì các nhà sản xuất trên khắp nước Mỹ sẽ đối mặt: Tăng gánh nặng thuế lên các công ty ở Mỹ đồng nghĩa với việc ít việc làm hơn ở Mỹ. Theo đó, trong hai năm đầu tiên sẽ có một triệu việc làm bị mất đi”.
Nghiên cứu đã tính toán các tác động của việc tăng thuế suất doanh nghiệp, tăng thuế suất cận biên cao nhất, bãi bỏ khoản khấu trừ 20%, loại bỏ một số điều khoản chi tiêu nhất định, cùng các chính sách khác được liệt kê trong đề xuất về cơ sở hạ tầng của Tổng thống Biden gần đây.
Các hệ quả khác bao gồm: GDP giảm 117 tỷ USD vào năm 2023, 190 tỷ USD vào năm 2026 và 119 tỷ USD vào năm 2031.
Bên cạnh đó, tổng số việc làm – được tính bằng số giờ làm việc – cũng sẽ giảm 0,7% so với trước khi điều chỉnh. Điều đó tương đương 1 triệu việc làm sẽ ‘bốc hơi’ vào năm 2023.
Cũng theo nghiên cứu này, nếu các chính sách kinh tế của ông Biden được ban hành, trung bình mỗi năm trong vòng 10 năm tới sẽ có 600.000 việc làm mất đi.
Trong khi đó, vốn thông thường hoặc vốn đầu tư vào thiết bị và cơ sở hạ tầng sẽ giảm đi 80 tỷ USD vào năm 2023 và giảm 83 tỷ USD, 66 USD tương ứng vào các năm 2026 và 2031.
Về lâu dài, nghiên cứu cho thấy tiền lương thực tế sẽ giảm 0,6% và tổng lương thưởng lao động, bao gồm tiền lương và phúc lợi, lúc đầu sẽ giảm 0,6% và sau 10 năm giảm 0,3%. Tổng số tiền bồi thường về lâu dài cũng sẽ giảm 0,6%.
Trước đó vào ngày 31/3, Nhà Trắng đã công bố một bản thông tin chi tiết về những đề xuất thay đổi được áp dụng trên phạm vi rộng của Tổng thống Biden. Được biết, đây mới chỉ là phần đầu tiên của kế hoạch kinh tế gồm hai phần, mà ông Biden dự kiến sẽ trình lên Quốc hội để xem xét thông qua trong những tháng tới.
Phần thứ hai trong kế hoạch của ông có nhiều điểm khác biệt so với các chính sách truyền thống trước đây. Chẳng hạn như mở rộng phạm vi bảo hiểm y tế, mở rộng quyền lợi thuế trẻ em,…
Một số nhà kinh tế đã chỉ trích gói này không mang lại nguồn vốn truyền thống, và dẫn đến một cuộc thâu tóm quyền lực lớn về phía liên bang. Họ cũng nhận thấy việc xác định phạm vi cơ sở hạ tầng của chính quyền là có vấn đề.
Trước đó, khi ông Biden lần đầu tiên phác thảo kế hoạch cơ sở hạ tầng của mình, ông đã quảng cáo đây là “khoản đầu tư có một không hai ở Mỹ, không giống như bất cứ điều gì chúng tôi đã thấy hoặc làm kể từ khi chúng tôi xây dựng hệ thống đường cao tốc liên bang, và cuộc đua không gian cách đây hàng thập kỷ”.
Gần đây, lãnh đạo phe thiểu số tại Thượng viện Mitch McConnell đã bày tỏ rằng, ông sẽ không ủng hộ kế hoạch cơ sở hạ tầng của Tổng thống Biden do mức thuế tăng mạnh.
Ông Mitch viết trên Twitter rằng: “Dự luật cơ sở hạ tầng “phi cơ sở hạ tầng” của chính quyền giống như một con ngựa thành Troy khác dành cho nhu cầu của phe cực tả. Còn bàn về luật ‘Quyền làm việc’. Việc áp đặt các đợt tăng thuế mới lớn nhất này sẽ giết chết việc làm và làm chậm tốc độ tăng lương trong khi người lao động đang cần kinh tế phục hồi nhanh chóng”.
Khánh Vy