Tinh Hoa

Vị tỷ phú từ thiện 8 tỷ USD: “Sinh ra tay trắng thì khi trở về cũng phải trắng tay”

New York Times từng hỏi tỷ phú Chuck Feeney: “Vì sao ông lại quyên góp hết gia tài của mình?” Ông trả lời đơn giản: “Chỗ Thượng Đế ở không có ngân hàng, mỗi người đều là trần trụi sinh ra, cuối cùng cũng đơn độc ra đi, không ai có thể mang theo tài phú và danh tiếng mà bản thân đã đau khổ tìm kiếm cả đời”.

Tỷ phú Chuck Feeney là người đầu tiên ở Mỹ bỏ ra số tiền lớn là tài sản của mình để làm từ thiện. Ông chính thức rỗng túi, đi ở thuê vào tuổi ngoài 80, nhưng đã hoàn thành khát vọng “cho đi khi còn đang sống”.

“Chỗ Thượng Đế ở không có ngân hàng, mỗi người đều là trần trụi sinh ra, cuối cùng cũng đơn độc ra đi, không ai có thể mang theo tài phú và danh tiếng mà bản thân đã đau khổ tìm kiếm cả đời”. (Ảnh: via Irish America Magazine)

“James Bond” của giới từ thiện

Tỷ phú Charles F. Feeney (1931) là một người Mỹ gốc Ireland. Ông thường được gọi với cái tên thân mật Chuck Feeney, thời gian gần đây ông được giới truyền thông Mỹ đặt cho biệt danh “James Bond của giới từ thiện”.

Vị tỷ phú Mỹ này nói thông thạo 2 tiếng Pháp và Nhật, là người xây lên đế chế các cửa hàng miễn thuế. Từ nhỏ, ông đã nghỉ ra đủ mọi cách để kiếm tiền như: gõ cửa từng nhà để bán thiệp Giáng sinh, dọn tuyết trên đường hay nhặt bóng trên sân golf,…

Charles F. Feeney bắt đầu sự nghiệp kinh doanh cùng với bạn học cùng đại học từ đầu thập niên 1950: Bán rượu không thuế cho thủy thủ Mỹ. Sau đó, ông bán xe hơi cho cho lính Mỹ và lập nên chuỗi cửa hàng miến thuế (DFS) ở các cửa khẩu, với doanh thu đạt 3 tỷ USD/năm.

Vào những năm 60, khi Nhật Bản tổ chức thế vận hội và dỡ bỏ hạn chế du lịch nước ngoài, Chuck Feeney đã nhân cơ hội này để thu tiền của khách du lịch Nhật. Đó là những khoản tiết kiệm khổng lồ người Nhật bỏ ra mua sắm rượu, nước hoa, đồ trang sức miễn thuế,… tại các địa điểm nổi tiếng như Hawaii, Hong Kong, San Francisco, Saipan và Guam…

Video: 4 đặc điểm của người Đại Phú Quý

Mặc dù kiếm được rất nhiều tiền từ rất sớm, với tổng tài sản theo New York Times lên tới 8 tỷ USD, nhưng Chuck Feeney có cuộc sống riêng tư rất bình lặng và đơn giản, không xa hoa, không bao giờ thắt cà-vạt Hermes hay mang giày Gucci.

New York Times tiết lộ, trong nhiều năm ở New York, bữa trưa của ông không phải ở các nhà hàng sang trọng mà là ở khu nhà Irish Pavillion Tommy Makem trên phố East 57th – nơi ông ăn bánh mì kẹp thịt.

Feeney kín tiếng tới mức, mãi tới 1988, thế giới mới biết đến sự giàu có của ông. Khi đó, lần đầu tiên Forbes ước tính Feeney có khoảng 1,3 tỷ USD và xếp thứ 31 tại Mỹ. Tuy nhiên, tài sản thực của ông vẫn là một ẩn số, chỉ sau những lần làm từ thiện, thế giới mới biết được.

Công chúng còn kinh ngạc về cuộc sống giản dị và tiết kiệm tới mức tối đa. Ông khắt khe với bản thân, gia đình nhưng hào phóng với người dưng. Ông ghét sự phung phí, không muốn con cái trở thành con nhà giàu hư hỏng và bắt chúng làm hầu bàn, bồi phòng khách sạn, thu ngân trong các kỳ nghỉ hè ngay từ khi còn nhỏ.

Sự hà khắc của Feeney không làm cho con cái khó chịu, thậm chí con gái đầu của Feeney còn cho rằng, cách làm của người cha đã giúp họ sống như những người bình thường khác, làm được việc đáng làm và vẫn có đủ tiền để chi tiêu cho cuộc sống.

Theo quan điểm của vị tỷ phú này, “bạn chỉ có thể mặc một chiếc quần vào cùng một thời điểm”. Ông thích kiếm tiền nhưng không muốn sở hữu chúng, tiền quá nhiều cũng không thể đem ra tiêu xài hết. Một thời gian dài, ông sống trong căn hộ đi thuê và toàn bộ tài sản được dần hiến tặng cho các tổ chức từ thiện. Các con ông cũng phải tự lăn lộn kiếm sống khi đến tuổi trưởng thành. Feeney cho biết, đây chính là cách để ông giáo dục các con biết quý trọng giá trị của đồng tiền.

“Sinh ra tay trắng thì khi trở về cũng phải trắng tay”

Suốt hơn 30 năm qua, Chuck Feeney đã đi khắp thế giới để làm từ thiện từ tài sản 8 tỷ USD của mình, tập trung vào giáo dục, khoa học, chăm sóc y tế,… tại Mỹ, Úc, Việt Nam, Nam Phi và Ireland.

Quỹ từ thiện Atlantic Philanthropies do ông sáng lập đã rót khoản tiền cuối cùng trị giá 7 triệu USD vào cuối 2016 cho Đại học Cornell nhằm hỗ trợ sinh viên làm công tác dịch vụ cộng đồng. Chuck Feeney đã hoàn thành khát vọng “cho đi khi còn đang sống” và chính thức rỗng túi.

Trả lời trên tờ New York Times, ông Feeney cho biết: “Bạn luôn lo lắng khi phải quản lý quá nhiều tiền như thế, nhưng chúng tôi dường như đã làm việc đó khá tốt”.

Tới đầu 2017, tổng giá trị tài sản còn lại của Feeney là hơn 2 triệu USD. Hiện ông và vợ (Helga) đang sống trong một căn hộ thuê ở San Francisco.

Tại Việt Nam, quỹ Atlantic bắt đầu rót tiền vào chỉ vài năm sau khi chiến tranh kết thúc, tài trợ bắt đầu từ miền Trung như xây dựng trường Đại học Đà Nẵng.

Cho đến nay, 2 người còn gái của ông là: Diane Feeney và Juliette Feeney cũng tiếp tục theo gót cha làm từ thiện. Họ làm chủ tịch của một số tổ chức từ thiện của gia đình và cộng đồng.

Quỹ Atlantic Philanthropies của Feeney bắt đầu sứ mệnh “làm rỗng túi” từ năm 1982 với ước mơ muốn tạo ra sự thay đổi lớn cho cuộc sống của những người gặp khó khăn. Ông ước mơ mang lại hòa bình cho Bắc Ireland, hiện đại hóa hệ thống chăm sóc y tế của Việt Nam hay biến Roosevelt Island của New York trở thành một trung tâm công nghệ.

Cho đến nay, Feeney đã xây cả ngàn tòa nhà khắp châu lục, nhưng tên của ông không hề xuất hiện trong bất cứ công trình nào, từ trên các viên đá ốp tòa nhà hay trong các văn bản. Trong nhiều năm, quỹ Atlantic Philanthropies của Feeney yêu cầu những người được hưởng lợi không được công khai sự tham gia giúp đỡ của họ.

Hãy cho khi còn sống

Triết lý đơn giản “hãy cho khi còn sống” của tỷ phú Chuck Feeney đã được nhiều tỷ phú Mỹ khác chia sẻ và hành động. Hiện đang có một làn sóng làm từ thiện mới trong giới tỷ phú Mỹ mà Bill Gates, Warren Buffet – những siêu tỷ phú – là đầu tàu. Ngay cả Simon Cowell – người bị các fan cuộc thi hát American Idol (Thần tượng Mỹ) đang diễn ra gọi là “Ông cáu kỉnh” – một nhân vật nổi tiếng giàu nhất trong ngành truyền hình Anh, năm nay 48 tuổi, không có con để thừa kế tài sản, tuần rồi cũng tuyên bố sẽ tặng 180 triệu USD cho các cơ quan từ thiện giúp đỡ trẻ em và thú cưng.

“Hãy cho khi còn sống”. (Ảnh: Pinterest)

Như vậy, thay vì để lại tài sản trị giá bạc tỷ sau khi qua đời, khi còn sống họ đã lập các quỹ từ thiện và phân phối số tài sản khổng lồ của họ càng nhanh càng tốt trước khi qua đời. Nhật báo Independent của Anh gọi đây là một cuộc cách mạng về khái niệm từ thiện.

Warren Buffet là một ví dụ. Nhà đầu tư giàu nhất thế giới này (với tài sản 62 tỉ USD) hồi năm 2006 đã làm các nhà từ thiện thế giới rúng động khi ông tuyên bố tặng 83% tài sản của ông cho quỹ từ thiện Bill & Melinda Gates. Đây là số tiền từ thiện lớn nhất của một cá nhân.

Bill & Melinda Gates là quỹ từ thiện lớn nhất thế giới do Bill Gates, người giàu thứ hai thế giới, sáng lập. Ông Gates cho biết sẽ dùng số tiền khổng lồ của ông Buffet để cải thiện tình trạng đói nghèo, bệnh tật và chết lúc mới sinh ở các nước nghèo.

Nhân sinh như mộng

Alexander Đại đế là một vị vua vĩ đại. Trên đường khải hoàn sau khi chinh phạt nhiều nước, ông ngã bệnh. Vào thời khắc ấy, những vùng đất ông chiếm được, quân đội hùng mạnh, những thanh gươm bén, và sự giàu có không còn nghĩa lý gì với ông. Ông nhận ra rằng cái chết sắp sửa đến và ông sẽ không về kịp mảnh đất quê hương. Ông bảo các sỹ quan của mình thực hiện giúp ông 3 nguyện ước, trong đó điều cuối cùng là :“Ước muốn cuối cùng của ta là hãy đặt 2 bàn tay của ta ra bên ngoài cỗ quan tài”.

Mọi người nghe xong đều cảm thấy tò mò và khó hiểu nhưng không ai dám hỏi nguyên nhân. Lúc này, vị sủng tướng của Alexander hôn bàn tay ông và hỏi: “Thưa đức Vua, chúng thần sẽ làm theo mệnh lệnh của Ngài. Nhưng Ngài có thể cho chúng thần biết tại sao Ngài lại muốn chúng thần làm như vậy hay không?

Ông giải thích rằng: “Ta muốn để người đời hiểu rằng ta đến thế gian này với hai bàn tay trắng và ta sẽ rời bỏ thế gian này cũng với hai bàn tay trắng”, nói xong ông nhắm mắt lại và trút hơi thở cuối cùng.

*****

Phật gia từng giảng nhân sinh như mộng, đời người là ảo vọng, hết thảy mọi thứ nơi thế gian cũng chỉ giống như bóng trăng trên mặt nước. Của cải là vật khi sinh không đem đến được, khi chết cũng chẳng thể mang theo đi. Như tỷ phú Chuck Feeney từng nói, nơi Chúa ở không có ngân hàng. Vì vậy, sống trên đời nên cứ thanh thản mà sống, hãy cho đi những gì bạn có thể cho, hãy yêu thương khi vẫn còn có thể. Đó mới chính là hành trang vĩnh hằng mà bạn có thể đem theo bên mình.

Tinh Hoa (t/h)