Theo nhà phân tích Samantha Hoffman thuộc Viện Chính sách Chiến lược Úc (ASPI), điện thoại thông minh của Trung Quốc đang trở thành một mối đe dọa an ninh lớn đối với thế giới.
Mối đe dọa từ điện thoại thông minh Trung Quốc
Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với tờ Guardian, cô Samantha Hoffman, nhà phân tích về các vấn đề an ninh của Bắc Kinh, đã cảnh báo người dân thế giới nên thận trọng khi mua điện thoại thông minh và các sản phẩm công nghệ khác được sản xuất tại Trung Quốc.
“Bạn sẽ không hề biết dữ liệu về bạn đang bị thu thập và có khả năng được dùng để định hình quan điểm, cũng như các quyết định của bạn, cùng nhiều thứ khác. Ngay cả những sở thích của người tiêu dùng cũng được thu thập cho chiến dịch này. Những điều trên khi kết hợp với nhau, có thể được dùng để tác động đến một cuộc bầu cử hoặc quan điểm về một vấn đề cụ thể nào đó,” cô Hoffman cho biết.
Cô cũng cảnh báo chúng ta rất dễ bị những lợi ích của công nghệ hiện đại cám dỗ để chia sẻ thông tin cá nhân nhằm phục vụ cho những mục đích trên.
Chính phủ Trung Quốc hiện đang tận dụng tối đa tất cả kẽ hở trong quy định an toàn dữ liệu tại những quốc gia dân chủ như Mỹ, Châu Âu để thu thập càng nhiều thông tin về công dân ở đây càng tốt. Theo Hoffman, mặc dù Quy định Bảo vệ Dữ liệu Chung (GDPR) của EU là một bước đi tốt trong việc bảo vệ quyền riêng tư, nhưng chỉ đề xướng đó thôi vẫn chưa đủ.
Nhà phân tích này cũng lo ngại về các thỏa thuận thương mại mà Huawei đã ký kết với các quốc gia khác. Nhiều thỏa thuận liên quan đến an ninh công cộng, nhận dạng khuôn mặt và nhận dạng biển số xe. Vì tất cả dữ liệu Huawei thu thập chắc chắn sẽ được gửi về Trung Quốc, và chính quyền nước này sẽ dùng chúng để đẩy mạnh hơn nữa chế độ chuyên chế của mình.
Chẳng hạn, Turkcell, một nhà cung cấp dịch vụ di động của Thổ Nhĩ Kỳ đã ký hợp đồng với Huawei. Nước này có gần 10.000 người Duy Ngô Nhĩ Trung Quốc đang sống lưu vong và vì thế, Huawei có thể dễ dàng sử dụng quyền truy cập vào Turkcell để theo dõi, giám sát và quấy rối những người này bằng cách đe dọa người thân của họ ở Trung Quốc.
Những lời ‘tố cáo’ khác
Được biết, đây không phải là lần đầu tiên các sản phẩm điện thoại của Trung Quốc bị cáo buộc có khả năng theo dõi, thu thập thông tin người dùng.
Năm 2016, hãng an ninh Kryptowire đã phát hiện “cửa hậu” gửi thông tin người dùng về Trung Quốc trên khoảng 100.000 thiết bị Android đang bán tại Mỹ. Theo phát hiện này, cứ mỗi 72 giờ, các dữ liệu bao gồm toàn bộ nội dung tin nhắn văn bản, lịch sử cuộc gọi, danh bạ, dữ liệu sử dụng ứng dụng và cả địa điểm của người dùng bị gửi về máy chủ đặt tại Trung Quốc do Công ty có tên Shanghai Adups Technology Company (Adups) đăng ký.
Theo Adups, phần mềm của họ được cài sẵn trên firmware và đang chạy trên hơn 700 triệu điện thoại, xe hơi và các thiết bị thông minh khác. Chúng được cài sẵn trên máy và tự động cập nhật liên tục để cài ứng dụng từ xa và truyền thông tin mà người dùng không hề hay biết. Adups cho hay họ thiết kế phần mềm nhằm giúp một doanh nghiệp Trung Quốc khác theo dõi hành vi người dùng.
Sau đó, các nhà nghiên cứu của Công ty BitSight cũng phát hiện ra firmware – được phát triển bởi một công ty Trung Quốc có tên Ragentek Group – trên 2,8 triệu điện thoại Android có lỗ hổng cho phép hacker có thể xâm nhập từ xa, cài đặt keylogger, phần mềm nghe lén và phần mềm độc hại khác trong hệ điều hành Android.
Một trường hợp khác là tháng 5/2018, Mỹ đã cấm binh sĩ tại mọi căn cứ trên thế giới sử dụng điện thoại của hai tập đoàn Huawei và ZTE vì lý do an ninh. Tất cả cửa hàng trong các căn cứ quân sự cũng bị yêu cầu ngừng bán điện thoại và modem kết nối Internet do 2 công ty trên sản xuất và chuyển chúng đi nơi khác.
Giới chức tình báo Mỹ hồi tháng 2/2018 cũng khuyến cáo người dân nước này không nên dùng điện thoại thông minh của Huawei và ZTE vì những mối nguy hiểm tiềm ẩn. Theo giám đốc cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) Christopher Wray, các điện thoại Trung Quốc có thể được sử dụng để sửa đổi hoặc ăn cắp những thông tin nhạy cảm cũng như tiến hành hoạt động gián điệp mà không bị phát hiện.
Tiểu Phúc (t/h)