Ngày 26/12 là ngày sinh của cố Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông, nhưng chính phủ Trung Quốc lại không tổ chức hoạt động tưởng niệm nào. Thậm chí còn ngăn cản không cho người dân tụ tập tưởng nhớ Mao vì lý do “gây mất trật tự xã hội”…
Trong ngày sinh nhật Mao Trạch Đông 26/12, “Mao phấn” (những người tôn sùng Mao Trạch Đông) các nơi đã đổ về Thiều Sơn, nơi sinh của Mao để bái tế. Chính quyền địa phương nơi đây đã điều rất nhiều cảnh sát vũ trang, đặc công đến hiện trường canh giữ, dựng cửa kiểm tra ở cổng vào, nghiêm cấm mang theo pháo hoa, tiền vàng, hương, nến vào trong.
Ngày 25/12, kênh truyền thông của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) ở nước ngoài nói, một người dân tên Điền Lệ Quân đã đến cảnh sát Trương Gia Khẩu tỉnh Hà Bắc xin được tổ chức hoạt động tưởng niêm Mao vào ngày 20/12 tại khu vực phía Đông cầu Trương Gia Khẩu tỉnh Hà Bắc, nhưng đã bị từ chối với lý do là “gây mất trật tự xã hội”.
Tám bức hình chụp “văn bản quyết định không cho phép tụ hội tuần hành thị uy” của Cảnh sát Trương Gia Khẩu sau đó đã được lưu truyền trên mạng Internet Trung Quốc. Điều này có nghĩa là Trung Quốc không chỉ không có ý định kỷ niệm ngày sinh của Mao Trạch Đông, mà thậm chí còn ngăn cản người dân tiến hành hoạt động tưởng niệm. Ngoại giới phân tích, điều này là có liên quan đến xu hướng “trừ Mao hóa” trong những năm gần đây của lãnh đạo Bắc Kinh.
Vào ngày tròn 41 năm Mao Trạch Đông mất 09/09 năm nay, Trung Quốc không những không tổ chức hoạt động kỷ niệm chính thức nào, mà các kênh truyền thông nhà nước cũng không có bài viết nào liên quan, người dân và dư luận cũng im ắng. Ngoài ra, cháu ruột của Mao Trạch Đông, Thiếu tướng Mao Tân Vũ cũng bị loại ra khỏi danh sách đại biểu Đại hội 19.
Ngày 05/05, chính quyền huyện Phương Thành tỉnh Hà Nam còn lấy lý do xây bãi tập cho trường tiểu học, điều động nhiều xe cảnh sát và mấy chục đặc công phòng ngừa bạo lực, xây tường gạch chắn “Nhà kỷ niệm Mao chủ tịch”, hai nhân viên nhà kỷ niệm định ngăn cản thi công đã bị bắt ngay tại chỗ.
Trung Quốc ầm thầm triển khai “trừ Mao hóa” bắt đầu phổ biến từ năm 2015
Trong lưỡng hội của ĐCSTQ vào tháng 03/2015, nguyên lão từ các nơi đã nhắc lại lịch sử, nói rằng Mao Trạch Đông lúc tuổi già đã làm rất nhiều điều sai trái, bây giờ là thời điểm công bố sự thật trước dân chúng.
Từ tháng 10 đến tháng 11/2015, trang mạng Cai Xin (kênh phát ngôn không chính thức của ông Tập Cận Bình), đã liên tiếp đăng các bài phê bình Cách mạng Văn hóa do Mao khởi phát. Vào giữa tháng 12/2015, giáo sư Đại học Trung Sơn lần đầu tiên tổ chức loạt tọa đàm “Xét lại Cách mạng Văn hóa”. Ngày 25/12/2015, Cai Xin lại đăng bài chỉ ra Cách mang Văn hóa là sai lầm và khủng bố.
Tháng 01/2016, bức tượng Mao Trạch Đông màu vàng cao 36,6m, đặt ngay đầu thôn Chu Thị Cương, huyện Thông Hứa tỉnh Hà Nam Trung Quốc, từng thu hút sự chú ý của dư luận khi chi phí xây dựng lên đến 10 tỷ đồng đã bị đập bỏ.
Trong thời gian diễn ra lưỡng hội năm 2016 của ĐCSTQ, các uỷ viên, đại biểu lưỡng hội đã đề xuất, yêu cầu rời nhà kỷ niệm Mao ra khỏi quảng trường Thiên An Môn. Cuối năm 2015, Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc đã nhận được 21 ý kiến từ đại biểu, Hội Hiệp thương Chính trị thu được 32 ý kiến từ ủy viên, họ đều yêu cầu phá bỏ Nhà tưởng niệm Mao Trạch Đông trong quảng trường Thiên An Môn.
Từ năm 2011, tác gia Bắc Kinh nổi tiếng Thiết Lưu đã khởi xướng hoạt động ký tên khởi tố tội ác của Mao Trạch Đông. Thiết Lưu chỉ ra, Mao Trạch Đông cả đời đã phạm vô số tội ác, sát hại mấy trăm ngàn người trong nội bộ đảng, năm 1957 đã dùng bẫy “dương mưu” quy chụp 500.000 tinh anh của Trung Quốc vào tội “phản đảng phản chủ nghĩa xã hội”, “phần từ cánh hữu”.
Mao Trạch Đông là nhân tố làm loạn Trung Quốc lớn nhất. Những người bị hại nếu vẫn còn sống, sẽ đều là nhân chứng lịch sử, mỗi người sẽ đều là một nhân chứng cho một tội của Mao Trạch Đông.
Cuốn sách “Chín bình luận về Đảng Cộng sản Trung Quốc” đã chỉ ra, sau khi ĐCSTQ xây dựng chính quyền, Mao Trạch Đông đã phát động các cuộc vận động Tam phản, Ngũ phản, Đàn áp phản cách mạng, Cải cách ruộng đất, Quét sạch phản động, Phản cánh hữu, Đại nhảy vọt, Cách mạng Văn hóa, bức hại hơn phân nửa dân số Trung Quốc, khoảng chừng 60-80 triệu người bị chết bất thường, lớn hơn tổng số người chết trong thế chiến II.
Lê Hiếu