Giáo dục ở Mỹ là không chủ trương đánh trẻ, tuy nhiên chung quy trẻ em Mỹ vẫn rất có ý thức tự giác và nghe lời. Mấu chốt chính là nằm ở “phương pháp giáo dục 3C” vô cùng hữu ích mà nước Mỹ vẫn luôn lưu hành.
Nhiều người vẫn thường thắc mắc, người Mỹ không đánh con trẻ, vì sao lũ trẻ vẫn rất nghe lời?
Đó là bởi vì, trong giáo dục, người Mỹ chủ trương không đánh trẻ em, nhưng cũng không cưng chiều trẻ. Mà người Mỹ, họ để cho trẻ có sự tự do sáng tạo, tôn trọng sự phát triển tự nhiên của trẻ, giúp trẻ thông qua việc tự kiểm soát, tăng cường ý thức trách nhiệm, dũng cảm trước thử thách. Đây là “phương pháp giáo dục 3C” mà nước Mỹ luôn lưu hành. 3C tức là Control (kiểm soát), Commitment (trách nhiệm ) và Challenge (thử thách).
Chữ C thứ nhất: “Kiểm soát”
Chính là kiểm soát cảm xúc và thời gian. Trẻ một khi phát hiện điều gì đó không được như ý muốn, thì thường sẽ không kiểm soát được cảm xúc của mình. Các bậc cha mẹ người Mỹ, họ không áp dụng phương pháp dụ dỗ, cầu hòa hoặc bỏ qua đối với trẻ, mà là ngồi xuống bên cạnh trẻ, tiếp nhận cảm xúc của trẻ, sau đó dùng cách thức gợi ý, nói cho trẻ nên làm như thế nào.
Như vậy, trẻ liền hiểu ra, đối mặt với thật bại thì không phải lấy khóc làm “vũ khí”, mà cần kiểm soát cảm xúc, nhìn thẳng vào vấn đề, tự mình nghĩ ra biện pháp giải quyết.
Ở vấn đề quản lý thời gian, nhiều gia đình có thói quen áp dụng “luật của mình”, tức là thông qua sự quản lý của cha mẹ để giám sát con trẻ. Ví như, không ngừng nhắc nhở trẻ, sau khi xem TV xong phải học bài.
Còn cha mẹ Mỹ lại dạy trẻ “tự giác”, tức là cho trẻ sự tự do nhất định, để cho chúng tự kiểm soát thời gian học hành của mình. Ví như có đứa trẻ là một cậu bé rất ham chơi, cách làm của người cha là không phải lúc nào cũng canh chừng cậu, mà mỗi tuần cho cậu bé một khoảng thời gian để vui chơi thỏa thích. Nếu bạn một ngày chơi chán rồi, thì mấy ngày kế tiếp chán không muốn chơi nữa. Thông qua quá trình như vậy, trẻ học được cách tự mình kiểm soát.
Chữ C thứ 2: “Trách nhiệm”
Nuôi dạy con trẻ thành những người có tinh thần ý thức đảm đương trách nhiệm. Chúng ta cũng biết, trẻ con nước Mỹ khi đến tuổi trưởng thành, phải tự mình trong xã hội mà dốc sức làm việc. Để trở thành một người có chỗ đứng trong xã hội, đạt được sự nghiệp thành công và gia đình hạnh phúc, thì ý thức trách nhiệm là phẩm chất rất trọng yếu.
Các bậc cha mẹ Mỹ, họ sẽ sắp xếp cho trẻ một số công việc ngay từ khi còn nhỏ, rèn luyện cho chúng khả năng làm việc độc lập. Khích lệ trẻ làm việc đến nơi đến chốn, họ giao cho trẻ làm mỗi một việc gì, cũng đều chú ý quan sát đến cuối cùng, sau đó đưa ra đánh giá. Như vậy có thể dưỡng thành cho trẻ đức tính kiên trì nhẫn nại và thói quen nghiêm túc chịu trách nhiệm. Họ còn khích lệ trẻ dũng cảm đảm nhận trách nhiệm về mình.
Ví như, khi đưa trẻ đến nhà bạn bè chơi, đứa bé không cẩn thận đã đánh vỡ một cái cốc. Đây vốn dĩ cũng chỉ là một chuyện nhỏ, nhưng người cha không chỉ để cậu bé xin lỗi chủ nhà, còn bắt đứa trẻ mua một cái cốc y chang như vậy để đền cho nhà chủ, tiền mua chính là tiền tiêu vặt của cậu bé. Đây là muốn cho đứa trẻ biết, mỗi người đều phải gánh chịu trách nhiệm cho lỗi lầm của mình.
Chữ C thứ 3: “Thử thách”
Trẻ em nên dám thay đổi, đón nhận thử thách. Sức mạnh thực sự không đến từ bên ngoài mà đến từ bên trong con người dám can đảm đối mặt thử thách, đó là bài học quan trọng mà các bậc cha mẹ người Mỹ dạy cho con em mình.
Ví như, có hai vợ chồng nọ, trước khi con trai vào nhà trẻ, đã đưa cậu bé đến một nơi hoàn cảnh ngôn ngữ hoàn toàn mới, hy vọng cậu có thể tự mình vượt qua thử thách. Quả nhiên, cậu bé có khả năng thích ứng rất nhanh, 1 tháng sau, cậu có thể nghe hiểu lời thầy cô giáo cùng các bạn nói; chưa đến nửa năm đã có thể tự nhiên trò chuyện.
Chính bản thân cậu bé cũng tự đánh bại được sự rụt rè của mình ở môi trường mới, cảm giác được sự tuyệt vời của thành quả. Từ đó về sau, cậu cũng tự tin hơn rất nhiều, đối với những việc trước kia không dám cố gắng làm, thì nay đã dám tự mình đi làm.
Bảo An, theo kannewyork