Ngày 25/6/2018, Hiệp hội các Bác sỹ chống Cưỡng bức Thu hoạch Nội tạng (DAFOH) tuyên bố đóng thỉnh nguyện thư kêu gọi Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc (UNHCHR) hành động để chấm dứt việc mổ cướp nội tạng các tù nhân lương tâm tại Trung Quốc.
Đây là một quyết định khá bất ngờ đối với hầu hết những nhà hoạt động nhân quyền, cũng như những người quan tâm đến nhân quyền trên toàn thế giới. Người ta càng ngạc nhiên hơn, khi thông tin cho biết thỉnh nguyện thư này đã nhận được tới hơn 3 triệu chữ ký ủng hộ, là một trong những kiến nghị lớn nhất từng được tổ chức.
Vài nét về DAFOH
DAFOH là một tổ chức do các bác sỹ thiết lập nhằm thúc đẩy đạo đức trong y học thông qua việc kêu gọi chấm dứt nạn thu hoạch nội tạng bất hợp pháp.
Năm 2016, tổ chức này đã được đề cử giải Nobel Hòa bình, một trong những giải thưởng uy tín nhất thế giới. DAFOH đã được đề cử giải Nobel Hòa bình vì nỗ lực nâng cao nhận thức và phổ biến thông tin cho cộng đồng y tế và xã hội về thực trạng thu hoạch nội tạng phi đạo đức, đặc biệt tập trung vào Trung Quốc.
Cưỡng bức thu hoạch nội tạng – lấy nội tạng từ một người mà không có sự đồng ý của họ – không chỉ là tội ác chống lại nhân loại mà còn là mối đe dọa nghiêm trọng đối với nền y khoa nói chung.
Tính đến năm 2016, DAFOH là ứng viên thứ hai được đề cử giải Nobel Hòa bình vì các hoạt động chống lại tội ác thu hoạch nội tạng ở Trung Quốc. Trước đó, cựu Quốc vụ khanh Canada David Kilgour và luật sư nhân quyền David Matas được đề cử giải Nobel Hòa bình vào năm 2010 cho công cuộc điều tra của họ khi phát hiện 41.500 ca ghép tạng không giải thích được ở Trung Quốc từ năm 2000 đến 2004.
Thỉnh nguyện thư 3 triệu chữ ký
Vào năm 2012, DAFOH đã khởi xướng một kiến nghị lên Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc (LHQ) thông qua hình thức thư thỉnh nguyện. Kiến nghị yêu cầu Cao ủy Nhân quyền LHQ có 3 hành động:
1. Kêu gọi Trung Quốc lập tức chấm dứt việc cưỡng bức thu hoạch nội tạng từ các học viên Pháp Luân Công bị giam giữ ở Trung Quốc.
2. Khởi động các cuộc điều tra bổ sung để tiến hành truy tố các thủ phạm liên quan đến tội ác chống lại loài người này.
3. Kêu gọi chính quyền Trung Quốc chấm dứt ngay lập tức cuộc đàn áp tàn bạo đối với Pháp Luân Công.
Pháp Luân Công là một môn khí công thuộc trường phái Phật gia được phổ truyền ở Trung Quốc vào năm 1992 và trở nên phổ biến rộng rãi sau đó.
Năm 1999, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), dưới sự chỉ đạo của Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước, khi đó là Giang Trạch Dân, đã phát động một chiến dịch đàn áp môn khí công này.
Trong các tội ác khủng bố Pháp Luân Công của ĐCSTQ, bị điều tra và bàn luận rộng rãi nhất là nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng từ những tù nhân lương tâm này. Từ năm 2006, các bằng chứng cho thấy nhiều tù nhân lương tâm ở Trung Quốc bị giết để lấy nội tạng, trong đó các học viên Pháp Luân Công là nhóm nạn nhân lớn nhất và bị bức hại tàn bạo nhất.
Năm 2014, nhà báo điều tra Ethan Gutmann đã xuất bản cuốn “The Slaughter” (Thảm sát), nói về hoạt động kinh doanh cấy ghép nội tạng của Trung Quốc và mối liên hệ rùng rợn của nó với các trại tập trung và giết hại những tù nhân lương tâm, đặc biệt là các học viên Pháp Luân Công.
Để viết được cuốn sách này, ông Gutmann đã phỏng vấn hơn 100 người tị nạn, bác sỹ và nhân viên hành pháp trong thời gian 6 năm. Nhà báo Gutmann được đề cử giải Nobel Hòa bình cho hoạt động này vào năm 2017.
Với những bằng chứng không thể chối cãi về cuộc bức hại vượt quá sự tưởng tượng của những người có lương tâm, kiến nghị của DAFOH đã thu thập được hơn 2 triệu chữ ký trên toàn thế giới trong vòng 3 năm, và cho đến nay đã có hơn 3 triệu chữ ký ủng hộ.
Nhưng vì sao DAFOH lại quyết định chấm dứt một nỗ lực kéo dài và được nhiều người ủng hộ như vậy?
Sự ‘vô tâm’ của UNHCHR
Trong thông cáo đăng trên trang web của mình, DAFOH cho biết trong vòng 5 năm qua, đại diện của hiệp hội đã hai lần đến gặp Liên Hợp Quốc (LHQ) tại Geneva để bàn giao hơn 3 triệu chữ ký và thảo luận về những tội ác chống lại loài người này.
Tuy nhiên, thông cáo cho biết thêm: “Cho đến nay, chúng tôi chưa thấy các hành động có thể kiểm chứng được thực hiện bởi LHQ đáp lại bản kiến nghị đại diện cho ý muốn của người dân từ khắp nơi trên thế giới”. Như vậy, có thể thấy rõ DAFOH đã từ bỏ chiến dịch tốn rất nhiều thời gian và công sức của họ, cũng như của nhiều nhà ủng hộ nhân quyền trên thế giới, vì sự “thờ ơ” của UNHCHR.
Trong bản thông cáo ngày 25/6, DAFOH cũng nói đến việc Hoa Kỳ chính thức rời bỏ Hội đồng Nhân quyền LHQ (UNHRC).
“Sự bất động của LHQ trước những vi phạm nhân quyền trắng trợn trên toàn thế giới, như nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng của Trung Quốc, đã góp phần khiến Hoa Kỳ quyết định chính thức từ bỏ Hội đồng Nhân quyền LHQ với lý do vấn đề nhân quyền không được giải quyết đầy đủ”, DAFOH viết.
Trong tuyên bố rời bỏ UNHRC ngày 19/6, Đại sứ Hoa Kỳ tại LHQ Nikki Haley gọi cơ quan này là “một tổ chức không xứng đáng với cái tên của nó”. Lý do được Đại sứ Haley đưa ra:
(1) UNHRC đầy rẫy những thành viên là các nước nổi tiếng vi phạm nhân quyền như Trung Quốc, Cuba, Congo và Venezuela…
(2) UNHRC chỉ tập trung chỉ trích Israel mà không có hành động cụ thể chống lại những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng ở nhiều nơi khác trên thế giới. (Chi tiết)
Với việc Mỹ rời bỏ UNHRC, có lẽ DAFOH đã nhận thức rõ không thể trông mong gì ở UNHCHR, khi Trung Quốc – đối tượng chính của thỉnh nguyện thư – đang nằm trong UNHRC.
Đặc biệt, gần đây 2 quan chức đứng đầu ngành ghép tạng Trung Quốc đã được bầu vào “Lực lượng Đặc nhiệm về Đóng góp, Ghép Tạng và Mô người” (DFDTHOT) của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) – một cơ quan của LHQ. Lực lượng đặc nhiệm này vừa được WHO thành lập ngày 4/7/2018 để “cung cấp tư vấn chính sách cho các quốc gia thành viên và hỗ trợ kỹ thuật về quy định và bảo vệ nhân quyền” trong hoạt động cấy ghép tạng và mô.
Theo China Daily, các ông Hoàng Khiết Phu (Huang Jiefu) – Chủ tịch Ủy ban Hiến tạng và Cấy ghép Nội tạng Quốc gia Trung Quốc, cựu Thứ trưởng Bộ Y tế, và ông Vương Hải Ba (Wang Haibo) – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Hệ thống Đáp ứng Cấy ghép Trung Quốc – sẽ là hai thành viên của DFDTHOT.
Trung Quốc và Hoa Kỳ là hai nước duy nhất có hai đại diện trong ủy ban gồm 31 thành viên của DFDTHOT.
Ông Hoàng Khiết Phu từ lâu đã bị các nhà hoạt động nhân quyền lên án là người đứng sau các hoạt động mổ cướp tạng ở Trung Quốc. Bản thân ông cũng đã trực tiếp tham gia hoạt động ghép tạng vô đạo đức ở Trung Quốc.
“Năm 2012, chính ông Hoàng Khiết Phu đã nói ông thực hiện 2 ca phẫu thuật ghép gan mỗi tuần, tức khoảng 100 nội tạng mỗi năm, và cũng chính ông từng nói từ 90 – 95% số nội tạng là từ tử tù”, BBC dẫn lời Giáo sư Y khoa Đại học Sydney Maria Fiatarone Singh.
Báo cáo mới gồm 341 trang của Trung tâm Nghiên cứu Thu hoạch Nội tạng Trung Quốc (COHRC) được trình bày tại Hội nghị Quốc tế của Hội Cấy ghép, tổ chức tại thành phố Madrid, Tây Ban Nha từ ngày 30/6 đến 5/7 vừa qua đã khẳng định rằng “Nạn lạm dụng cấy ghép nội tạng vẫn diễn ra tại Trung Quốc dù đã có tuyên bố cải tổ” – đây cũng chính là tiêu đề của báo cáo này.
Đến nay, nhiều nước văn minh, đi đầu là Mỹ và Canada, liên tục lên án Trung Quốc vì nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng từ tù nhân lương tâm, đồng thời ban hành lệnh cấm nhập cảnh đối với bất cứ bác sỹ và công dân nào dính líu vào việc cấy ghép nội tạng không rõ nguồn gốc ở Trung Quốc.
Nghịch lý là, WHO – một cơ quan LHQ – lại đưa một người bị xem là thủ phạm chính của nạn mổ cướp nội tạng, ông Hoàng Khiết Phu vào tham gia phụ trách vấn đề nhân quyền trong hoạt động ghép tạng.
Theo ĐKN