Tinh Hoa

Vì sao ngay cả binh lính cũng muốn ‘tẩu thoát’ khỏi chính quyền Kim Jong-un?

Chạy trốn khỏi chính quyền Kim Jong-un là một hành trình đầy rẫy nguy hiểm. Tuy nhiên, vì cuộc sống quá nghèo khổ và bị áp bức, rất nhiều người dân Triều Tiên đã liều mạng sống để chạy trốn khỏi đất nước của mình, trong đó có không ít các binh lính.

Nhiều binh sĩ Triều Tiên chạy trốn là vì tình trạng thiếu thốn lương thực ngày càng nghiêm trọng, họ muốn đến Hàn Quốc để tìm được cuộc sống tốt đẹp hơn. (Ảnh: The Telegraph)

Theo thống kê của Bộ Thống nhất Hàn Quốc, tính từ đầu năm đến nay đã có khoảng 880 người Triều Tiên vượt biên thành công, nâng tổng số người đào tẩu khỏi quốc gia này lên hơn 31.000 trường hợp kể từ năm 1998.

Mặc dù tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên trong năm 2017 liên tục gia tăng khi nhà lãnh đạo Kim Jong-un đưa ra nhiều tuyên bố cứng rắn nhằm vào các nước như Mỹ, tổng số người Triều Tiên đào tẩu trong năm nay giảm so với năm trước đó.

Nghị sĩ đảng Dân chủ Hàn Quốc Park Byeong-seug cho rằng tình hình tăng cường kiểm soát an ninh và giám sát tại Triều Tiên là lý do dẫn tới sự sụt giảm về số người đào tẩu tại Triều Tiên, tuy nhiên điều đó không đồng nghĩa với việc nhu cầu đào tẩu khỏi quốc gia này giảm xuống.

“Mặc dù hầu hết những người bỏ trốn xuất phát từ lý do đói nghèo, nhưng chúng ta cũng phải lưu ý rằng trong thời gian gần đây, ngay cả những người có cuộc sống ổn định tại Triều Tiên cũng tìm cách bỏ trốn, và một số người đào tẩu vì mong muốn một nền giáo dục khác cho con cái họ”, nghị sĩ Park cho biết.

Theo Bộ Thống nhất Hàn Quốc, phần lớn người Triều Tiên đào tẩu sang Hàn Quốc trong độ tuổi từ 20 đến 39. Họ phần lớn là phụ nữ và đa số không có việc làm. Ngoài ra, cũng có các trường hợp là binh sĩ Triều Tiên bỏ trốn.

Trong vụ việc gần đây nhất, một binh sĩ Triều Tiên họ Oh được cho là bị chính các đồng đội nổ súng bắn trọng thương khi đang tìm cách đào tẩu từ một chốt gác của Triều Tiên sang Hàn Quốc hôm 13/11 thông qua Khu phi quân sự liên Triều.

Binh sĩ này không phải người lính đầu tiên can đảm chạy trốn trong năm nay. Hồi tháng Sáu cũng đã có hai lính Triều Tiên chạy thoát khỏi chính quyền Kim Jong-un: một người băng qua khu phi quân sự DMZ giới tuyến 38, người còn lại bơi qua sông.

Tuy nhiên, Hàn Quốc cho biết các trường hợp binh sĩ Triều Tiên đào tẩu thường không nhiều. Con số thống kê cho biết từ tháng 1 đến tháng 8 năm nay, chỉ 3,5% trong số người Triều Tiên đào tẩu là các binh sĩ hoặc cán bộ làm việc cho các cơ quan nhà nước.

Hơn 75% trong số những người Triều Tiên bỏ trốn là từ hai tỉnh Bắc Hamgyong và Ryanggang gần biên giới Trung Quốc. Ngoài khu vực biên giới với Hàn Quốc, các tỉnh giáp Trung Quốc cũng là một cửa ngõ giúp người Triều Tiên thực hiện kế hoạch bỏ trốn của mình.

Theo nhiều cơ quan truyền thông, nguyên nhân khiến những người này chạy trốn là vì tình trạng thiếu thốn lương thực ngày càng nghiêm trọng, họ muốn đến Hàn Quốc để tìm được cuộc sống tốt đẹp hơn.

Tình trạng lương thực trong quân đội Triều Tiên

Theo Tuần san Tin tức (Newsweek), ông Brian Hook, cố vấn cấp cao của Ngoại trưởng Mỹ đã viết bài trên tờ New York Times nói rằng, tiền chi tiêu của chính quyền Triều Tiên chủ yếu cho vũ khí mũi nhọn, xây dựng đài kỷ niệm cho gia tộc họ Kim và hối lộ giới tinh anh ở Bình Nhưỡng, cho dù các binh lính có được tín nhiệm thì vẫn phải chịu cảnh khổ cực do thiếu nguồn lương thực nghiêm trọng.

Tiền chi tiêu của chính quyền Triều Tiên chủ yếu cho vũ khí mũi nhọn, xây dựng đài kỷ niệm cho gia tộc họ Kim và hối lộ giới tinh anh ở Bình Nhưỡng. (Ảnh: Capitalfm)

Quan chức ngoại giao chạy trốn khỏi Triều Tiên là Thae Yong-ho cho biết, khi Kim Jong-un mới lên cầm quyền, ông từng hy vọng ông ta sẽ có những chính sách hợp lý đưa Triều Tiên thoát khỏi đói nghèo. Nhưng không lâu sau, thứ ông được thấy là Kim Jong-un thanh trừng quan chức, vậy là “tôi hoàn toàn tuyệt vọng”.

Vì hiện nay tình trạng sức khỏe của người lính Triều Tiên họ Oh còn rất yếu, chưa thể trả lời phỏng vấn của chính quyền Hàn Quốc, nhưng chính cơ thể của người lính này đã cung cấp nhiều thông tin về cuộc sống của binh sĩ Triều Tiên. Trên cơ thể của anh ta có nhiều ký sinh trùng, trong dạ dày chỉ có một ít gạo và ngô, cho thấy thực trạng thiếu nguồn lương thực trong quân đội Triều Tiên.

Tình trạng sức khỏe của người lính họ Oh chứng minh thông tin khoảng 120.000 lính Triều Tiên thường xuyên phải sống trong cảnh thiếu nguồn lương thực nhiều năm qua. Người Triều Tiên đến tuổi 17 – 18 phải nhập ngũ, nam giới là 10 năm, nữ giới là 7 năm.

Theo tờ Daily NK, thậm chí cả quan chức quân đội Triều Tiên còn khích lệ các binh sĩ ăn trộm ngô mang về khi đến vụ thu hoạch.

Binh sĩ khó kiếm lương thực hơn dân thường

Theo báo cáo công bố hồi tháng Bảy của Tổ chức Lương thực Liên Hiệp Quốc (FAO), dự tính vụ thu hoạch năm 2017 của Triều Tiên sẽ đặc biệt kém, vì thời gian từ tháng Tư đến tháng Sáu năm nay lượng mưa thậm chí còn thấp hơn cùng kỳ năm 2001, cho nên lượng lương thực thu được sẽ ở mức thấp chưa từng thấy.

Vào thập niên 90 của thế kỷ trước, vì tình hình khí hậu tồi tệ, quản lý không tốt và Liên Xô (cũ) không trợ cấp lương thực cho Bình Nhưỡng khiến Triều Tiên rơi vào nạn đói quy mô lớn, làm hàng trăm ngàn người Triều Tiên chết đói, chế độ phân phối công cộng (PDS) của Triều Tiên bị sụp đổ. Đây gọi là “nạn mất mùa Triều Tiên”.

Số liệu của Tổ chức Kế hoạch Lương thực thế giới của Liên Hiệp Quốc chỉ ra, trong 25 triệu người Triều Tiên có 18 triệu người sống theo phân phối của nhà nước, dự tính số người tương tự sống trong tình trạng không an toàn về lương thực, khoảng 41% số người trên toàn quốc bị cho là sống thiếu dinh dưỡng.

Do bị cấm vận thương mại nên lương thực của các binh sĩ còn khó khăn hơn thường dân. (Ảnh: Theaustralian)

Kim Hun, một người chạy trốn từng làm việc trong chính quyền Triều Tiên đã chia sẻ trên Daily NK rằng, binh sĩ Triều Tiên ăn được gì là nhờ vụ thu hoạch. Hồi tháng 6/2017, cả ba bữa trong ngày đều ăn khoai tây, vào tháng Tám cả ba bữa trong ngày đều ăn ngô. Do bị cấm vận thương mại nên lương thực của các binh sĩ còn khó khăn hơn thường dân.

Một người trốn thoát khác tên Lee So Yeon từng phục vụ trong quân đội Triều Tiên trả lời phỏng vấn của BBC đã kể lại những trải nghiệm của cô khi ở trong quân đội: “Tình trạng nữ binh sĩ bị cưỡng dâm thường xuyên xảy ra, không bao giờ hết”.

Lee So Yeon nói, do huấn luyện nghiêm khắc nhưng lại thiếu thốn dinh dưỡng đã ảnh hưởng rất tiêu cực đối với tâm sinh lý nữ giới, nhiều người chỉ sau 6 tháng đi lính đã bị hiện tượng rối loạn kinh nguyệt.

Một người chạy trốn khác có tên Kim Yoo-sung cho biết, khi anh học trung học phổ thông, trong 25 người thì có 20 người bị bắt đi lính, một nửa trong số này buộc phải trở về nhà vì thiếu thốn lương thực.

Kim Yoo-sung nói, người may mắn thì được vào đơn vị đặc biệt hoặc được quan chức họ phục vụ quan tâm, còn những người lính không may sẽ bị chết đói, thậm chí cha mẹ họ cũng không có cơ hội để giúp đỡ họ. “Rất nhiều người (binh sĩ) quá gầy, đói, buộc phải bất chấp tất cả để thoát thân”.

Tuệ Tâm (t/h)