Trung Quốc với hơn 1,3 tỷ dân và là nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới sau Hoa Kỳ. Tuy nhiên, những bậc cha mẹ ở đây lại cố tìm mọi cách, đưa con mình du học và định cư ở nước ngoài. Vì sao lại có nghịch lý đó?
Số lưu học sinh Trung Quốc càng ngày càng tăng
Mấy năm gần đây, số lưu học sinh đến từ Trung Quốc tại các quốc gia Âu Mĩ càng ngày càng tăng. Danh hiệu “Du học ở nước ngoài” rất được người Trung Quốc xem trọng, nó đang dần dần trở thành “xa xỉ phẩm“, làm thay đổi tầng cấp trong xã hội, thậm chí trở thành mục tiêu phấn đấu của nhiều gia đình.
Trong cuốn sách Nhà kinh tế học mới được xuất bản ở Anh, có đoạn miêu tả người Trung Quốc hăng hái đưa con đến Mỹ học đại học. Theo truyền thông đưa tin, ở Bắc Kinh và các thành phố lớn việc mở các lớp du học cấp 3 rất được hoan nghênh, thậm chí có lớp lên tới 400 người.
Theo cuốn “Nhà kinh tế học” cho biết: “Một số người giàu Trung Quốc cho rằng, đầu tư tiền cho con đi du học Mỹ là có thể mua được bảng hiệu nổi tiếng”. “Hầu hết họ cho rằng với lý lịch sau khi trở về từ hải ngoại, có thể là một nền tảng vững chắc cho nghề nghiệp và hôn nhân”.
Theo số liệu thống kê chính thức từ Bộ giáo dục Trung Quốc cho thấy, tính đến cuối năm 2014, lưu học sinh xuất ngoại tổng cộng 1.708.800 người, trong đó 1.080.900 người đang trong giai đoạn học tập và nghiên cứu.
“Đội quân du học” hùng mạnh này có 60% học sinh chọn học ở Hoa Kỳ. Từ năm 2009 trở đi, Trung Quốc đã vượt qua Ấn Độ, liên tục trở thành nước có lượng lưu học sinh ở Hoa Kỳ lớn nhất.
Năm 2015, số lưu học sinh Trung quốc đăng ký đại học Mĩ đã tăng vọt đến 304.040 người. Thậm chí, một số trường đại học Mĩ có đến 4.000 lưu học sinh Trung quốc, trong sân trường còn xuất hiện cả “phố nhỏ người Hoa”.
Gian lận để được nhận
Trong phong trào du học rầm rộ, có những câu chuyện “gian lận” bi hài diễn ra. Bởi vì rất nhiều trường đại học Mỹ yêu cầu học sinh phải đệ trình các hoạt động tình nguyện cộng đồng trong bản trần thuật, cho nên một trung tâm du học đặc biệt ở Bắc Kinh đã tiến hành đưa học sinh trong lớp du học đi “du lịch” ở Botswana châu Phi, và sau đó hình ảnh được ghi lại.
Còn có câu chuyện: Sống ở vùng Đông Bắc Trung Quốc có một gia đình giàu, đã quyết tâm dùng máy bay riêng đưa con của mình đến Tây Tạng để quay một số hình ảnh giúp đỡ người dân tộc thiểu số, họ lấy đó làm trải nghiệm hoạt động cộng đồng của con trai, sau khi hoàn thành các bức ảnh, hai cha con trở về nhà trong ngày.
Nói tóm lại, hiện nay rất nhiều thanh thiếu niên Trung Quốc tới Mỹ để học bằng bất cứ giá nào, và đó đã trở thành xu hướng mạnh mẽ, không có dấu hiệu giảm ở nước này.
Cha mẹ Trung Quốc vì sao vội vã cho con ra khỏi nước?
Trung Quốc hiện là nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, nhưng đổi lại sự phát triển, chính quyền đã vắt kiệt tài nguyên thiên nhiên, phát triển nền công nghiệp kim loại và hóa chất ô nhiễm nhất hành tinh. Trung Quốc hiện đang phải đối diện với thảm họa môi trường, dự kiến đến 2030 Trung Quốc sẽ không còn nước sạch để uống.
Tình hình xã hội bất ổn, quan chức quan liêu, tham nhũng, cảnh sát lạm quyền, các phe phái chính trị lôi kéo đấu đá nhau… đã khiến người dân Trung Quốc không dám tin vào tương lai về một xã hội ổn định. Theo thống kê của tổ chức nhân quyền thế giới, mỗi ngày Trung Quốc có khoảng 500 cuộc biểu tình diễn ra trên toàn quốc.
Tình trạng kiểm soát truyền thông, tuyên truyền và kiểm duyệt internet,.. nhằm kiểm soát tư tưởng con người, khiến người dân mất hết tự do, không thể nói lên tiếng nói của mình. Nhân tài không được trọng dụng khiến cho nhiều tri thức không muốn ở lại đất nước.
Xã hội, chính trị bất ổn và cuộc sống gò bó, bất công và thiếu môi trường phát triển chính là nguyên nhân các bậc cha mẹ cố tìm mọi cách đưa con em mình du học và làm việc ở các nước Âu – Mỹ.
Rất nhiều cha mẹ Trung Quốc mong muốn “con trai thành rồng, con gái thành phượng” đã đưa con mình xuất ngoại để nhận được sự giáo dục từ Tây phương.
Mỹ có nhiều trường đại học đẳng cấp thế giới, giảng viên hàng đầu, môi trường văn hóa nhân văn, những lợi thế này đối với sinh viên Trung Quốc có một sức hấp dẫn mạnh mẽ; Hơn nữa, giáo dục Mỹ đề xướng sự bình đẳng, khuyến khích sự đổi mới, coi trọng phát hiện tiềm năng cá nhân, đối với sự phát triển của ngành công nghiệp giáo dục toàn cầu có ảnh hưởng sâu sắc.
Trung – Mỹ hai nước có nền kinh tế và mức sống khác biệt. Mỹ là một quốc gia phát triển, kể cả xã hội lẫn kinh tế, so với Trung quốc thì phát triển trước vài thập niên, cho nên với điều kiện cho phép, càng ngày càng có nhiều người trong nước di cư đến quốc gia phát triển hơn.
Ngoài ra, những thủ tục xin đi du học nước ngoài cũng nhanh gọn, xã hội Mỹ cạnh tranh công bằng, những người có thành tựu sẽ được cung cấp các cơ hội việc làm xứng đáng. Đây là nguyên nhân trọng yếu thu hút một số lượng lớn giới trẻ Trung Quốc sang Hoa Kỳ du học.
Bà Uông: Cho con gái xuất ngoại là quyết định đúng đắn
Ngày 11/11/2014, Trang Epoch Times từng phỏng vấn một số phụ huynh cho con cái đến Mỹ quốc du học. Dưới đây là ý kiến của bà Uông, một nhà nghiên cứu tâm lý học ở Bắc Kinh.
Theo bài báo, chồng bà Uông làm nghành công nghiệp IT, sự nghiệp khá thành công. Hai vợ chồng chỉ có một con gái, hiện đang học năm thứ 2 ở một trường đại học nổi tiếng ở Mỹ.
Theo bà Uông chia sẻ con của bà trước khi xuất ngoại đã học tại một trường trung học quốc tế ở Bắc Kinh. Bạn bè của bà cũng cho con cái đi du học rất nhiều. Hầu hết các gia đình gia cảnh khá giả, cha mẹ có học vấn rất cao.
Bà Uông nói: “Chúng tôi ở trong nước đã từng học đại học, học được tri thức rất nông cạn, kiến thức cơ bản cũng không được tốt, thầy cô giáo cũng không thực sự trách nhiệm, việc tốt nghiệp đại học rất dễ dàng. Chúng tôi hy vọng con cái có thể ở Mỹ để nhận được nền giáo dục chính quy, thực sự học được tri thức”.
Bà Uông bày tỏ, sau khi cho con gái ra nước ngoài du học, bà thấy rằng quyết định này là đúng đắn. Con bà trước và sau khi xuất ngoại có những thay đổi rất lớn, cô bé suy nghĩ độc lập hơn, trước các vấn đề thì tự mình suy xét đúng sai.
Bà Uông cho rằng, chính là nhờ chương trình giáo dục của Mỹ có những yêu cầu nghiêm cẩn đối với học sinh đã giúp con của bà có những thay đổi như thế.
“Học tập ở trường đại học Mỹ quốc, gian dối không thể qua được”, bà Uông nói. “Từ điểm đó mà nói, tôi cảm thấy đại học Mỹ quốc yêu cầu thực sự nghiêm cẩn đối với học sinh là vô cùng tốt, đặc biệt là trong lĩnh vực khoa học thì thái độ chặt chẽ cẩn thận rất quan trọng”.
Bà Uông chia sẻ tiếp: “Đối với việc học tập, tôi cảm thấy các học sinh, sinh viên sau vài năm học tập, sẽ dưỡng thành một tính cách rất cẩn thận nghiêm túc. Từ điểm đó, tôi cảm nhận sâu sắc rằng giáo dục Mỹ quốc và Trung quốc không giống nhau”.
Học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp, ở lại Mỹ hay trở về nước là một vấn đề, bà Uông cũng có ý nghĩ của riêng mình. Bà bày tỏ, nếu đứa trẻ sau khi tốt nghiệp, có cơ hội ở lại Mỹ quốc, đương nhiên là rất tốt, 4 năm học tập ngắn ngủi là không đủ, cần phải học tập thực tế nhiều thì mới tiến bộ hơn nữa.
Bà Uông lạc quan, bà cảm thấy nếu đứa trẻ ở nước ngoài học được điều gì đó, cho dù mới đầu tìm được công việc không mấy lương cao, chỉ cần đứa trẻ cố gắng kiên trì, cuối cùng sẽ có cuộc sống như ý.
Bảo An, theo ntdtv.com